Việt Nam có lợi thế rất lớn phát triển thực phẩm chức năng (TPCN) với một nền y học cổ truyền hàng nghìn năm lịch sử.
>>Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa
Nguồn nguyên liệu dược phẩm thiên nhiên phong phú cũng đã được ông cha dày công nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, các vấn đề nảy sinh liên quan đến việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN cũng tăng lên. Đó là, trong sản xuất, có hiện tượng sản xuất sản phẩm TPCN không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm.
Trong quảng bá và truyền thông, có hiện tượng quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo TPCN như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang, khiến dư luận bức xúc. Hiện có 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… “trá hình” thực phẩm chức năng.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng TPCN, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như Thực hành đúng sản xuất, mà mới nhất là Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN – đưa ra các chuẩn mực trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Quy chế gồm 5 chương, 16 điều chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo TPCN, nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo và biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…
Với việc này, Hiệp hội muốn sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước lập lại trật tự kỷ cương trong thị trường thực phẩm chức năng, đưa ngành thực phẩm chức năng phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là bước triển khai tiếp theo phương châm “3 đúng” mà Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã đề ra gồm hiểu đúng - làm đúng - dùng đúng thực phẩm chức năng.
Có thể bạn quan tâm