Xưa nay người Trung Quốc luôn cho thấy “tính cách dân tộc đặc biệt” trong những thời khắc quan trọng.
Cuối tháng 7, biến chủng Delta xuất hiện tại ổ dịch ở một sân bay thuộc thành phố Nam Kinh - Trung Quốc, chưa đầy 3 tuần sau lan ra 17 tỉnh thành trên phạm vi rất rộng. Mục tiêu “không COVID-19” coi như phá sản.
Một số chuyên gia dịch tễ tại Trung Quốc đặt câu hỏi, có nên giảm bớt các biện pháp kiểm soát để học cách sống chung với dịch bệnh? Ý chí giới cầm quyền tối cao và tư tưởng “đại Hán chống dịch” không cho phép Bắc Kinh hủy hoại thành tích.
Kết quả biến chủng Delta ở Quảng Châu chỉ ghi nhận 150 ca bệnh, thời gian diễn biến chỉ là 14 ngày, một ổ dịch khác ở Vân Nam xuất hiện từ ngày 4/7 đến nay không quá 100 ca mắc.
Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách như những ngày đầu. Thận trọng mở cửa biên giới, hạn chế giữa các địa phương trong nước, xét nghiệm định kỳ hàng loạt, sàng lọc truy vết ổ dịch và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Trung Quốc vẫn giữ nguyên chính sách siết chặt nghiêm ngặt các quy định về nhập cảnh đối với người nước ngoài như giữ nguyên quy định cách ly 21 ngày, yêu cầu tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh. Hộ chiếu phổ thông chưa có hiệu lực vào quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nếu số liệu này tin cậy, có thể nói Trung Quốc là nước thành công nhất trong cuộc chiến với biến chủng Delta. Điều này rất ý nghĩa với Đảng cộng sản Trung Quốc và chính sách “vượt lên tất cả” của ông Tập Cận Bình.
Thứ nhất, có 800 triệu người trưởng thành tại Trung Quốc đã hoàn thành tiêm mũi thứ 2, tổng cộng nước này đã tiêm gần 2 tỷ liều vaccine, chủ yếu là hàng nội địa từ Sinopharm và Sinovac.
Kết quả chống dịch phần nào đó gián tiếp khẳng định chất lượng vaccine Trung Quốc trong bối cảnh nhiều quốc gia bày tỏ nghi ngờ về khả năng phòng dịch và mức độ an toàn của vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Thứ hai, việc giữ nguyên thái độ chống dịch cho thấy quyết tâm cao độ của giới chức Trung Quốc. Mục đích của họ không chỉ có thế, ông Tập hiểu rằng, kiểm soát được dịch cũng là tăng vị thế quốc gia, tiến thêm bước dài đến mục tiêu vượt Mỹ.
Từ đầu năm ngoái, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố bào chế thành công vaccine, so kè gát gao với Mỹ và châu Âu. Bộ Ngoại giao nước này đẩy nhanh chiến lược “ngoại giao vaccine”, thể hiện trách nhiệm quốc tế với vai trò là cường quốc đủ sức giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thứ ba, xưa nay người Trung Quốc luôn cho thấy “tính cách dân tộc đặc biệt” trong những thời khắc quan trọng. Giới lãnh đạo đất nước không ngại áp dụng các biện pháp hà khắc, dị biệt để tự mình tồn tại và trưởng thành mà không cần dựa vào bên ngoài.
Nhiệm vụ chống dịch lần này cũng vậy. So với Australia và các nước châu Âu hoặc Mỹ, các chính phủ không có quyền lực tuyệt đối đến mức liên tục áp dụng lênh phong tỏa nghiêm ngặt toàn bộ đất nước, bắt buộc người dân tuân thủ mọi mệnh lệnh. Nhưng ở Trung Quốc thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Trung Quốc chưa có dấu hiệu từ bỏ chính sách chống dịch cũ, trong khi thế giới đã chuyển sang quan điểm “sống chung với dịch bệnh”. Điều đó cho thấy họ đã tính toán con đường đi riêng biệt. Như thường lệ, mọi thứ ở Trung Quốc đều rất khó đoán, phải chờ đến khi nó xảy ra!
Có thể bạn quan tâm
Chợ động vật ở Vũ Hán có liên quan gì đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2?
05:00, 11/06/2021
Vì sao giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán "nóng" trở lại?
05:00, 31/05/2021
Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc
06:00, 12/08/2021
Trung Quốc lưu gene người vùng cao để nghiên cứu
03:13, 09/08/2021
"Thung lũng Silicon" của Trung Quốc ảm đạm trong dịch COVID-19
05:23, 07/08/2021