Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực với tâm lý bi quan bao phủ toàn cả 3 sàn giao dịch. Kết tuần qua, VN-Index giảm về 1.182,77 điểm. Liệu thị trường đã đến điểm hấp dẫn nhà đầu tư?
Đầu tư chứng khoán tháng 5: Chọn chiến lược để vượt khó
Thời gian qua, thị trường giảm điểm mạnh trên diện rộng với thanh khoản bán chủ động tăng mạnh vào những phiên cuối tuần. VN-Index chỉ có nhịp hồi ngắn vào 2 ngày 10/05 và 11/05 với thanh khoản thấp. Phe bán gần như chiếm ưu thế hoàn toàn khi áp lực bán gia tăng mạnh và lực cầu gần như không xuất hiện. Trái ngược với dòng tiền khối nội, khối ngoại trong tuần vừa qua mua ròng 571,68 tỷ đồng
Tâm lý tiêu cực diễn ra trên diện rộng ở cả 3 sàn giao dịch khiến cho VN-Index mất điểm nhanh chóng. Kết tuần vừa qua, chỉ số VN-Index mất mốc 1.200 điểm, lui về 1.182,77 điểm. Tương tự với VN-Index, HNX-Index cũng giảm mạnh, đóng cửa tuần tại 302.39 điểm. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 4 đến nay, VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh kéo dài với biên độ giảm 15% so với đỉnh. Tựa như một cơn bão mạnh quét qua, nhiều cổ phiếu đã rơi 30-50% thị giá kể từ đầu tháng 4.
Trong khi các nhà đầu tư cá nhân liên tục bán ròng rút tiền khỏi thị trường thì nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng rất mạnh lên tới 5.027 tỷ đồng kể từ đầu tháng 4. Nổi bật nhất trong trong công cuộc tung tiền bắt đáy của khối ngoại đó chính là các quỹ ETF. Dòng tiền từ Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan chiếm ưu thế. Fubon Vietnam ETF là quỹ hút ròng lớn nhất trên thị trường từ quý 2 đến nay với 1.300 tỷ đồng. Đây là quỹ ETF của Đài Loan (Trung Quốc). Dòng vốn Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2021 đến nay chảy vào Việt Nam rất mạnh.
Thị trường đang lúc "nước sôi lửa bỏng" việc khối ngoại mua ròng trở lại quy mô lớn cũng chính là một lực đỡ đáng kể, tác động tích cực tới thị trường. Điều này cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin rất lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đáy thị trường chứng khoán đã xác lập?
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Khối Phân tích CTCK KB Việt Nam cho biết, gần đây có một số người hỏi chứng khoán giảm mạnh thế đã bắt đáy được chưa.
Thực ra đa số mọi người hay bị nhầm giữa hai khái niệm "bắt đáy" trong xu hướng giảm (tuyệt đối nên tránh) và "mua tại hỗ trợ" trong xu hướng tăng (nên áp dụng kết hợp với việc quản lý tỷ trọng). Vậy với một nhịp giảm, khi nào là bắt đáy và khi nào là mua tại hỗ trợ? Điều này mang tính tương đối rất lớn và yếu tố then chốt đằng sau là "khung thời gian".
Theo ông Bình, ở thời điểm hiện tại, nếu nhìn theo các khung thời gian ngắn thì đang là xu hướng giảm do đó tuyệt đối không nên "bắt đáy", tuy nhiên khi nhìn theo các khung thời gian đủ lớn, xu hướng vẫn đang là tăng điểm và VN-Index đang về lại 1 vùng hỗ trợ khá mạnh do đó có thể lên kế hoạch giải ngân.
Giám đốc Khối phân tích của KBSV nhận định, đầu tiên, từ vùng 1.180 điểm, VN-Index đã bắt đầu về đến vùng hỗ trợ mạnh trên khung thời gian lớn và đủ điều kiện cần để bước vào một nhịp hồi phục. Điều kiện đủ thì cần chờ thêm 1-2 nhịp giảm thoải hơn 1 chút và vùng hỗ trợ đẹp cho kịch bản tạo đáy này là quanh 1.125 (+-20) điểm hoặc cho tín hiệu bật tăng rõ nét & không tiếp tục để mất các vùng hỗ trợ gần sau đó.
Tuy nhiên, tin xấu là nhịp hồi phục lần này ông Bình mới chỉ quan sát được trong ngắn hạn và đích đến kỳ vọng có sai số khá rộng, quanh 1.300 (+-40) điểm, do còn tùy vào điểm chính thức tạo đáy và độ dốc của nhịp hồi phục sau đó. Sau khi chạm vùng kỳ vọng, xu hướng ngắn hạn sẽ trở nên trung tính nếu không muốn nói là có phần nghiêng về khả năng tiếp tục quay xuống trước khi tìm đến các vùng hỗ trợ mạnh trên khung thời gian lớn hơn.
Theo ông Lê Chí Phúc, CEO của SGI Capital đánh giá, TTCK Việt Nam đang bị bán tháo quá đà trong hoảng loạn, giảm 23% sau 6 tuần, lọt top TTCK giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2022, chỉ sau Nga và Hungary.
Trong 10 năm qua, đã có 3 lần thị trường bị bán tháo trong khủng hoảng và hỗn loạn đưa định giá P/E VN-Index giảm về dưới 12 lần. VN-Index đã tăng lại 35-80% trong 12 tháng sau đó và đều vượt qua vùng đỉnh cũ.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ở giai đoạn vững vàng và ổn định nhất 15 năm qua. Triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng rất sáng trong 1-3 năm tới. Đợt bán tháo này chính là dấu chấm hết cho một chu kỳ tiền rẻ và dễ dãi, đồng thời mở ra giai đoạn mới với động lực tăng bền vững hơn từ tăng trưởng nội tại của từng doanh nghiệp.
Ông Lê Chí Phúc khuyến nghị rằng: “Giờ không phải là lúc cắt lỗ hoảng loạn và gặm nhấm đau khổ. Tạm gác lại mức lỗ vừa qua, tập trung làm bài tập, lên kế hoạch cho 1 năm tới để tận dụng thật tốt cơ hội mới. Làm được vậy, NAV sẽ sớm tăng lại và có các đỉnh cao mới thôi”.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 17/05/2022
04:50, 17/05/2022
04:08, 16/05/2022
03:50, 16/05/2022