Chứng khoán

Chứng khoán: Tin xấu có thể trở thành cơ hội tốt

An Định 09/04/2025 04:10

Sau 3 phiên giảm điểm cả trước và sau lễ, thị trường chứng khoán Việt Nam đánh rơi 185 điểm, về mức 1.132,79 điểm, thấp nhất 15 tháng, kể từ đầu tháng 1/2024.

Theo đó, vốn hóa toàn thị trường giảm gần 1,1 triệu tỷ đồng, còn khoảng 6,2 triệu tỷ đồng. Chỉ số hợp đồng tương lai VN30 tháng gần nhất (VN30F1M) cũng giảm kịch sàn.

Những lo ngại trong bối cảnh bất định khó dự báo khi các cuộc đàm phán chính sách thuế quan theo công bố áp dụng của Mỹ (sắc thuế cho nhiều mặt hàng ở nhiều quốc gia sẽ chính thức có hiệu lực 9/4), trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh việc đàm phán không thể đưa đến kết quả ngay lập tức trong vài ngày, khiến nhà đầu tư trên toàn cầu khó tránh lo ngại.

CK do lua
Hàng loạt mã cổ phiếu nằm sàn phản ánh lo ngại về trạng thái bất động của kinh tế toàn cầu từ phía nhà đầu tư. Ảnh minh họa: ITN

Đà tuột dốc thẳng đứng của TTCK Việt Nam cũng đồng nghĩa khiến nhiều broker, nhà đầu tư trên thị trường đánh rơi mọi thành quả tích lũy được gần nhất. Và bên cạnh đó, một tín hiệu không mấy lạc quan đi kèm là khối ngoại vẫn tiếp tục “xả hàng” hàng nghìn tỷ đồng trong các phiên vừa qua.

Song tất cả những biến động này không phải đi đến cùng một chỉ báo xấu. Bởi ngay cả những TTCK chứng khoán quốc tế lớn với các chỉ số chính của Mỹ đỏ lửa khi phản ứng với chính sách thuế được cho là có thể đẩy suy thoái của Mỹ đến hiện thực nhanh hơn, hay một số TTCK châu Á phải ngắt mạch chủ động khi đà rơi quá mức quy định… thì đây đó cũng đã có sắc xanh đang trở lại. Dù các cuộc đàm phán thuế quan với sự tham gia của gần 70 quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, hay là những chính sách thuế “đáp trả” lập tức lên hàng Mỹ từ Trung Quốc hoặc dự kiến của châu Âu… được cho vẫn chưa thể sớm có câu trả lời cho các dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng sắc xanh của vài TTCK cũng vẫn cho thấy nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào tốc độ và mức độ hòa hoãn của một cuộc thương chiến diện rộng.

Nhận định về tác động của chính sách thuế quan đối với nền kinh tế và giao thương thương mại, trong báo cáo Chiến lược thị trường tháng 4, Khối Tư vấn Phân tích CTCK SSI (SSI Research) cho rằng:

Về thuế cơ bản: Với mức thuế hiện tại của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam khoảng 3,53%, mức thuế mới 10% sẽ không có nhiều tác động quá tiêu cực, do đây là mức thuế chung đối với tất cả các quốc gia. Trên thực tế, điều này có thể mang lại lợi thế nhẹ cho Việt Nam vì sự chênh lệch thuế giữa các đối tác thương mại chính của Mỹ không quá lớn.

Về thuế đối ứng: Nếu được thực hiện, điều này có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu vì chuỗi cung ứng và nhu cầu không thể điều chỉnh nhanh chóng trong ngắn hạn. Tóm lại, thuế đối ứng không chỉ là để cân bằng cán cân thương mại hay để tăng thu ngân sách, mà còn là công cụ để giải quyết các mối quan tâm khác từ phía Hoa Kỳ.

“Có thể nói thuế đối ứng đóng vai trò như một mức trần cho điểm khởi đầu của các cuộc đàm phán. Các biện pháp như mua thêm hàng hóa Mỹ, tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu, cho phép nhiều doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Việt Nam, hoặc mở cửa thị trường các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, hay ban hành Nghị định về "kiểm soát thương mại chiến lược" để giải quyết các mối quan tâm về sở hữu trí tuệ của Mỹ,... có thể là những động thái có lợi".

Cụ thể, dù không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng những lợi ích dài hạn cho Việt Nam sẽ đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại và đây vẫn là kịch bản cơ sở.

Trong ngắn hạn, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Chính sách tài khóa (kích cầu, đầu tư công) vẫn là điểm nhấn của năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với thế giới và thu ngân sách tăng cao.

Chính sách tiền tệ được nới lỏng thêm do áp lực lên tỷ giá khó kéo dài lâu khi “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” đang dần bị thay thế bởi rủi ro suy thoái. Tuy nhiên trong ngắn hạn việc tỷ giá chịu áp lực cũng có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt của chính sách tiền tệ.

Trong dài hạn, việc có cơ hội nhanh chóng tiến tới có một hiệp định Thương mại tự do để làm cơ sở cân bằng hơn cán cân Thương mại giữa hai nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong câu chuyện trở thành quốc gia kết nối.

Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Nhìn chung, SSI nhận định: Kết thúc toàn cầu hóa, bắt đầu kỷ nguyên mới với các ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên tin xấu vẫn có thể là tin tốt với những lợi ích dài hạn của việc xây dựng một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và động lực tăng trưởng để xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn.

"Việc đánh giá tác động trên thực tế cần có giả định về kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái, do chuỗi cung ứng cần nhiều năm để điều chỉnh theo tác động của chiến tranh thương mại. Do đó chúng tôi cho rằng biện pháp thuế đối ứng có thể không được duy trì quá lâu do những ảnh hưởng đến lạm phát hay tăng trưởng sẽ mang tính dài hạn”, Khối SSI Research nhận xét.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cũng khẳng định: Việt Nam có hơn 100 triệu dân, phần lớn không quen vay nợ để tiêu dùng. Văn hóa tiết kiệm này nếu biết chuyển thành động lực đầu tư thông minh và tiêu dùng hợp lý thì sẽ là nền tảng cực kỳ bền vững cho phát triển dài hạn.

"Chúng ta có một thị trường tiêu dùng lớn, dòng tiền nội dồi dào, tâm lý đầu tư ngày càng chuyên nghiệp – đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp nội địa tái định vị chiến lược sản xuất và cạnh tranh ngay trên sân nhà, đấy sẽ là động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam", theo lãnh đạo SSI.

Von hoa
TTCK Việt Nam giữ nguyên triển vọng được FTSE Russell nâng hạng vào tháng 9 tới đây. Các cổ phiếu dự kiến hưởng lợi từ việc nâng hạng bao gồm: VIC, VHM, VNM, HPG, SSI, MSN, VND, VCI, VIX, SHB và VRE. Nhiều mã trong nhóm đã chiết khấu sâu hơn trong biến động của thị trường ngắn hạn.

Đối với thị trường chứng khoán, tác động ngắn hạn là thấy rõ. Song điều quan trọng nhất, trong 2 phiên giao dịch đỏ lửa của thị trường trước kỳ nghỉ, dòng tiền hấp thụ mạnh mẽ mọi lực bán ra khiến thị trường đạt giá trị giao dịch khủng. Sau kỳ nghỉ lễ, thanh khoản có phần hụt hơi trên cả 2 sàn chứng khoán, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư. Nhưng cùng lúc khi VN-Index bị kéo gần về mốc 1.100 điểm, thị trường hiện tại đã chiết khấu sâu, lập một định giá mới. VN-Index hiện đang giao dịch ở mức P/E hỗn hợp (trung bình của P/E 4 quý gần nhất và P/E ước tính 1 năm) là 11,6 lần, thấp hơn 25% so với mức trung bình từ năm 2016 đến nay là 15,5 lần. So với các đợt điều chỉnh trước đây, P/E hỗn hợp hiện tại chỉ cao hơn mức thấp được ghi nhận trong đợt Covid-19 tháng 3/2020 và khi bị ảnh hưởng rủi ro trên thị trường TPDN vào cuối năm 2022.

SSI Research nhìn nhận, tỷ lệ phục hồi của thị trường khá cao khi trong 10 năm qua, VN-Index đã điều chỉnh hơn 4% trong 24 lần. Mặc dù thị trường có thể còn động lực điều chỉnh trong ngắn hạn, tỷ lệ thị trường hồi phục sau giai đoạn 1-3 tháng và 12 tháng tương đối cao ở mức 70% và 75%, với tỷ suất sinh lời trung bình sau 12 tháng là 16%.

Đây chính là cơ hội đầu tư khi: Thứ nhất, định giá TTCK Việt Nam hiện nay thấp hơn so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2028-2019.

Thứ hai, câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng TTCK và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chinh trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân.

“Tin xấu có thể lại là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ hội ở các ngành phòng thủ như Hàng tiêu dùng thiết yếu, Năng lượng/Điện, CNTT và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng trong nước như Vật liệu xây dựng”, chuyên gia nhận định.

Sẽ cần thời gian và chất xúc tác là hiện thực cho sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thời điểm kích thích sự tham gia của các dòng tiền chủ lực, tiếp tục mang đến các cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp trong nay mai, cũng là thời cơ của nhà đầu tư nếu xem xét, đặt để sự quan tâm, sàng lọc các cổ phiếu chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chứng khoán: Tin xấu có thể trở thành cơ hội tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO