Nếu không có biến động lớn từ nền kinh tế thế giới, chứng khoán Việt Nam sẽ trải qua một năm 2018 đầy hứa hẹn.
Đỉnh cũ, đỉnh mới
Cuối năm 2017, cả nền kinh tế Việt Nam xôn xao trước thương vụ thoái vốn lịch sử tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Cuộc đấu giá diễn ra trên sàn HOSE không chỉ mang về cho ngân sách gần 5 tỷ USD, mà quá trình chạy đà trước đó đã thổi một luồng gió tươi mát, góp phần không nhỏ giúp chỉ số VnIndex đạt đỉnh 10 năm.
Tính cả năm 2017, chỉ số VnIndex tăng gần gấp rưỡi (48%) lên 984,24 điểm, lọt top thị trường tăng điểm mạnh nhất toàn cầu trong năm qua. Các chỉ số chứng khoán tăng mạnh giúp vốn hoá thị trường của Việt Nam tăng tới 80,5% trong năm 2017, đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 70,2% GDP. Tốc độ tăng trưởng vốn hoá thị trường của Việt Nam vượt khá xa các quốc gia láng giềng như Indonexia (hơn 20%), Philipin tăng 28%, Singapore tăng 29%.
Đà tăng trưởng của VnIndex có sự hỗ trợ của loạt yếu tố vĩ mô lẫn vi mô, cả từ trong nước cũng như thế giới.
Không chỉ Việt Nam, thị trường tài chính nói chung và chứng khoán toàn cầu nói riêng đều trải qua năm 2017 khá thành công, với sắc xanh phủ khắp các bảng điện tử từ châu Mỹ, châu Âu cũng như châu Á. Địa chính trị thế giới cơ bản ổn định, dư âm từ cuộc khủng hoảng 10 năm trước đang dịu dần giúp dòng tiền từ các kênh đầu tư trú ẩn như vàng chảy ngược trở lại chứng khoán.
Những lo ngại USD bị hút về Mỹ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cuối cùng không ảnh hưởng nhiều tới những thị trường mới nổi, còn nhiều tiềm năng như Việt Nam. Năm 2017, khối ngoại trên sàn HOSE mua ròng tới 26.000 tỷ đồng, bằng cả thập kỷ trước đó cộng lại (2006-2016).
Về yếu tố nội tại, thị trường chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ mạnh mẽ từ nền kinh tế trong nước ổn định (tăng trưởng vượt kế hoạch) cùng chiến lược xây dựng thị trường tài chính vững mạnh của nhà điều hành. Ngoài ra, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, chính sách nới lỏng tiền tệ để hạ lãi suất cùng kế hoạch thoái vốn, cổ phần hoá một loạt doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn (trong đó có Sabeco) cũng là cú hích quan trọng giúp thị trường tăng không có đỉnh trong năm vừa qua.
Về phía các công ty niêm yết, nền kinh tế tăng trưởng ổn định giúp tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn HOSE trong năm 2017 tăng tới 27,5% so với năm 2016. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) theo đó ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 19,6%, vượt xa con số 6% năm 2016 hay 8,6% năm 2015.
Động lực cho năm 2018
Về cơ bản, những lực đẩy giúp VnIndex đạt đỉnh trong năm 2017 sẽ tiếp tục là động lực của thị trường chứng khoán năm 2018, thậm chí ở mức độ lớn hơn. Nền kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến ổn định. Các tên tuổi lớn như Mỹ, Nhật, EU đang hồi phục đáng kể sau khủng hoảng trong khi Trung Quốc, Ấn Độ đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng nóng sang tăng trưởng bền vững. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết có hiệu lực sẽ giúp dòng tiền đầu tư luân chuyển dễ dàng, nhanh chóng hơn. Và những thị trường còn nhiều dư địa phát triển như Việt Nam là bên có lợi đáng kể.
Ở trong nước, Chính phủ gần như sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hạ lãi suất. Điều kiện tiên quyết để áp dụng là nền kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kìm giữ. Đây là những bài toán đã được Chính phủ cơ bản hoàn thành khá tốt trong 2 năm vừa qua. Điều quan trọng là chúng ta thấy được sự quyết tâm của Chính phủ trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, với việc hàng loạt bộ ngành vừa qua đã cắt giảm lượng lớn điều kiện kinh doanh; hay các văn bản pháp quy về hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành là minh chứng về sự cam kết của Chính phủ đối với các nhà đầu tư.
Một biến số ảnh hưởng lớn tới nền tài chính của cả Việt Nam cũng như cả thế giới là giá dầu. Theo các tổ chức uy tín như EIA, Citigroup hay Goldman Sachs, giá dầu năm 2018 sẽ duy trì quanh mức 60 USD/thùng như hiện nay. Đối với Việt Nam, kịch bản này có thể mang tính tích cực nếu xảy ra. Bởi mức giá 60 USD/thùng đồng nghĩa với mức tăng khoảng 10% so với trung bình năm 2017 (54 USD/thùng), sẽ không tác động quá lớn tới lạm phát, song lại hỗ trợ loạt doanh nghiệp ngành dầu khí có giá trị vốn hoá lớn trên thị trường chứng khoán như GAS, PLX. Mức giá 60 USD/thùng cũng được kỳ vọng sẽ mang về nguồn thu lớn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia mà gián tiếp là cho ngân sách nhà nước.
Tiếp đà thành công của các thương vụ Sabeco, Vinamilk vào cuối năm vừa qua, hàng chục doanh nghiệp lớn, nắm những ngành nghề chủ đạo và có kết quả kinh doanh tốt sẽ tiếp tục được cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong năm 2018. Trong đó, các đơn vị cổ phần hoá điển hình là Tập đoàn Điện lực (EVN) và các tổng công ty phát điện (Genco), Tập đoàn Cao su (VRG), Tổng công ty Xi măng (Vicem), Tổng công ty Dầu (PVOil), Tổng công ty lương thực miền Nam. Các thương vụ thoái vốn nhà nước đáng chú ý là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV), FPT, Vietnam Airlines, Tập đoàn Xăng dầu (PLX), Vinamilk...
Chỉ trong vài tuần đầu năm 2018, một loạt doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng được đưa ra IPO như Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) ngày 31/1, Tổng công ty Dầu (PVOil), Công ty Lọc - hoá dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3).
Không ít ý kiến lo ngại lượng lớn cổ phần được tung ra trong thời gian ngắn sẽ khiến thị trường khó hấp thụ hết. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang là tâm điểm hút vốn của giới đầu tư toàn cầu, thì băn khoăn trên phần nào có thể tạm gác sang một bên. Nhiệm vụ của nhà điều hành là phải khơi thông kênh dẫn vốn từ bên ngoài bằng các chính sách hợp lý. Bản thân các doanh nghiệp trong diện IPO, thoái vốn cũng cần tích cực quảng bá, nhất là ở các thị trường nước ngoài. Sabeco, Vinamilk hay PVOil là các đơn vị đã làm rất tốt công tác này trong thời gian qua. Nếu thực hiện được điều này, thì lo ngại về tính thanh khoản có thể phần nào giảm bớt. Phiên IPO thành công ngày 17/1 vừa qua của Lọc - Hoá dầu Bình Sơn là minh chứng điển hình.