Sau hàng trăm năm chạy đua phát triển kèm theo tàn phá, vết thương hằn lên mẹ thiên nhiên không thể hoàn nguyên!
Chuyện kể rằng, vào một ngày khi phải chứng kiến tội ác mà con người gây ra, Thượng đế hết sức tức giận và hối hận vì mình đã tạo ra loài người. Ngài đã quyết định sẽ tạo nên một cơn đại hồng thuỷ để quét sạch hết thảy những mầm mống của tội ác.
Lúc bấy giờ, ở trên mặt đất, có một người tên Noah có lòng dạ ngay thẳng nên thượng đế không nỡ giết hại và đã báo mộng cho ông biết ý định của mình. Người khuyên bảo Noah hãy đóng một chiếc thuyền thật lớn để có thể chứa được tất cả những người thân của gia đình mình cùng với tất cả mọi loài động vật, nhưng mỗi loài chỉ được mang theo 1 đôi.
Nhờ chiếc thuyền này, vạn vật thoát nạn diệt vong khi cơn đại hồng thủy hoành hành suốt 40 ngày. Sau sự kiện này Thượng đế đã lập giao ước với Noah để răn đe loài người: “Các người hãy sinh sôi nảy nở để trám đầy mặt đất, nhưng nhớ rằng hễ các người còn tàn ác, và máu người khác vẫn còn chảy thì máu của các người cũng sẽ phải chảy”.
Con thuyền Noah chỉ là một huyền thoại. Nhưng ý nghĩa của nó không hề viễn vông. Từ thuở hồng hoang, con người đã biết răn nhau quý cuộc sống của chính mình và mẹ thiên nhiên cũng nhân từ không nỡ diệt đường sống của muôn loài.
Sự kiện Noah cũng cho thấy, thái độ của con người với thiên nhiên quyết định tương lai của chính họ, mà ở “đâu đó” Thượng đế chỉ đóng vai trò giám sát, trừng phạt khi con người không chịu sửa chữa lỗi lầm.
Đáng tiếc, con người - cùng với quá trình chạy đua phát triển không ngừng đã quên hẳn giao ước của Thượng đế với Noah. Mặt trái của sự phát triển là các cuộc xâm lăng, tàn sát lẫn nhau; khai thác tận diệt thiên nhiên để phục vụ giấc mộng thống trị.
Từ thế kỷ 18, ở châu Âu - dưới sự dẫn dắt của giai cấp tư sản đã phát động cuộc đua công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cả thế giới ngước nhìn ngưỡng mộ những trung tâm thương mại sầm uất, những tòa cao ốc chọc trời, kèm theo đó là của cải vật chất được sản xuất với khối lượng khổng lồ khi nền đại công nghiệp ra đời.
Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được sách vở nhắc đến như là thành tựu rực rỡ của loài người. Song, tất cả đã bị đánh lừa. Thực chất của các cuộc cách mạng ấy là sản sinh ra công cụ sắc bén hơn để khoét vào cơ thể thiên nhiên.
Vật liệu mới được quảng bá và sử dụng như là lợi thế cạnh tranh siêu đẳng của nền kinh tế tư bản. Song, nguồn gốc của nó được móc ra từ ruột thiên nhiên. Hầu hết sự sáng tạo đều không có tính bảo tồn, ngược lại bản chất của sáng tạo chỉ nhằm mục đích tác động vào đối tượng khác để tìm kiếm lợi ích.
Sáng chế bản lề của Jame Watt tạo ra chiếc máy hơi nước đã mở đầu cho phong trào cơ giới hóa trên toàn thế giới. Nhưng khi năng suất của ngành dệt được nâng lên 1.000 lần so với thủ công thì nguồn tài nguyên như sắt, đồng, thiếc, chì, kẽm, các loại sợi tổng hợp cũng bị khai thác với tần suất cao hơn.
Năm 1784 khi Henry Cost tìm ra phương pháp luyện sắt từ quặng đã mở đầu một thời kỳ cày xới vỏ trái đất chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Những cánh rừng ở Mỹ, châu Âu bắt đầu bị cạo sạch để tìm khoáng sản.
Đầu thế kỷ XX hình thành một lĩnh vực kỹ thuật điện mới là điện tử học và ngành công nghiệp điện tử ra đời, mở đầu kỷ nguyên điện khí hóa, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác như luyện kim, chế tạo máy, đóng tàu, công nghiệp quân sự; giao thông vận tải, công nghiệp hóa chất.
Các ông trùm tư sản đã vận dụng công nghệ, tài nguyên thiên nhiên để khai hỏa chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thực chất của cuộc chiến này là sắp xếp lại ích kinh tế, mở đầu cho các cuộc xâm lăng, cướp bóc, khai thác vô tội vạ ở châu Á, châu Phi và Mỹ Lantin.
Tại Việt Nam, 2 cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã biến nước ta trở nên tiêu điều xơ xác, trải qua thêm cuộc kháng chiến chống Mỹ, các vết thương hằn lên thiên nhiên và tài nguyên bắt đầu xuất hiện.
Tại châu Phi, hậu quả còn thảm khốc hơn. Sự tác động của máy móc, kỹ thuật, súng đạn phương Tây đã làm xuất hiện những căn bệnh không thuốc chữa có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Ngay lúc này, tài nguyên thiên nhiên của châu Phi tiếp tục bị xâu xé dưới hình thức đầu tư, viện trợ phát triển từ phương Tây và Trung Quốc. Đó là những đại công trường khai thác vàng, kim cương, thú chơi săn bắn của thượng lưu phương Tây đã thu hẹp đáng kể lãnh địa của muông thú.
Những điều này là vĩ mô, xa xôi? Không hề! Bạn đừng nghĩ chúng ta không chịu ảnh hưởng gì từ các Hiệp ước chống biến đổi khí hậu, và rằng, chúng ta dửng dưng chẳng hề hấn gì khi Tổng thống Trump hục hặc bỏ ra khỏi Hiệp ước Paris về khí hậu!
Thiên tai ngày nay đâu chỉ có hiện tượng đại hồng thủy như sự tích con thuyền Noah. Dịch bệnh COVID-19 đang tàn phá toàn cầu cũng là một dạng thức mới của thiên tai, được gây ra bởi chủng virus có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Vì sao viruscorona buộc phải ra khỏi lãnh địa của chúng để chu du khắp toàn cầu? Hãy xem thói quen ăn uống, hưởng thụ của loài người, chẳng từ bất cứ thứ gì. Corona không khác gì Thượng đế - có tiếng nói quyết định, sai khiến loài người phải phục tùng nó.
Dĩ nhiên, sự phát triển là quá trình đánh đổi, di đời, tuân theo định luật bảo toàn năng lượng của Lomonoxov. Nhưng ngẫm lại xem, con người có gì để chống lại thiên nhiên? Chẳng có gì cả.
Tạm tính lịch sử loài người có 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khai thác gần hết tài nguyên trên trái đất, biết bao nhiêu thành tựu khiến chúng ta kinh ngạc nhưng rồi cũng bó tay trước dạng virus có kích thước chỉ 1/10.000.000cm, bất lực trước ung thư, HIV.
Có khi nào ai đó đặt câu hỏi: Vì sao không phải một dạng virus nào đó mà lại là corona? “Nhiệm vụ” của corona là ngăn cản bước tiến của nhân loại, khiến tất cả phải đứng im cho trái đất được nghỉ ngơi!
Còn tiếp…
Có thể bạn quan tâm
“Đồng hành yêu thương”: Kỳ I - “Vết thương” vùng lũ
11:00, 28/10/2020
Đồng hành yêu thương: Kỳ 2 - Phận người mỏng manh trong lũ dữ
05:00, 30/10/2020
Đồng hành yêu thương: Kỳ cuối - Chung sống với thiên tai
05:05, 02/11/2020
ĐỒNG HÀNH YÊU THƯƠNG cùng Diễn đàn Doanh nghiệp
16:00, 19/10/2020
Thế giới mong manh trước sự “nổi giận” của thiên nhiên
05:01, 06/12/2020
Đừng đùa với thiên nhiên!
05:30, 17/10/2020