Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ là thông điệp của các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Đồng Xoài xác định đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện TTHC, cải cách TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giám sát việc thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong quá trình giải quyết công việc có liên quan đến TTHC cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI.
Hiện trung tâm IOC của thành phố Đồng Xoài đang được xem là điểm nhấn của thành phố về công tác cải cách TTHC và là đơn vị tiên phong của tỉnh Bình Phước trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh.
Đến nay, thành phố đã triển khai sử dụng chứng thư số cho 100% cán bộ lãnh đạo và các đơn vị, tỷ lệ ký số toàn thành phố đạt 82,83%, 100% cơ quan, đơn vị đã thanh toán qua Kho bạc nhà nước bằng hình thức trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 100%, Thực hiện thanh toán trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và các phường-xã, hiện nay, thành phố là đơn vị dẫn đầu cấp huyện về thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
CHÍNH QUYỀN CẦU THỊ, LẮNG NGHE
Công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được cấp ủy, chính quyền thị xã Phước Long quan tâm, chỉ đạo triển khai toàn diện trên tất cả các nội dung, bằng nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Để tạo bước chuyển biến trong công tác CCHC theo hướng sát với điều kiện thực tế ở địa phương, thị xã Phước Long đã xác định lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công tác CCHC. Thị xã đã từng bước hoàn chỉnh việc lập cơ sở dữ liệu trên từng lĩnh vực, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin về đường truyền kết nối, thiết bị, phần mềm quản lý, xây dựng khung chính quyền điện tử giữa chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp và giữa các cơ quan chính quyền với nhau.
Đặc biệt, thị xã đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện CCHC từ cấp thị xã đến cấp xã; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong CCHC; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án trọng điểm.
MINH BẠCH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Để xây dựng hình ảnh một huyện năng động và chủ động hội nhập, thời gian qua, huyện ủy, UBND huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh đề nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, có những giải pháp cụ thể, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại huyện. Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thời gian làm việc của cán bộ, viên chức. Huyện cũng đã niêm yết công khai thủ tục hành chính của từng ngành, tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực đầu tư, đất đai, thuế, tài chính, xây dựng… nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Huyện Bù Gia Mập cũng công khai minh bạch áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư khi có nhu cầu tìm hiểu và đầu tư tại huyện. Huyện đã công bố đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các cụm công nghiệp Phú Nghĩa II với diện tích 49,3 ha, Phú Nghĩa III với diện tích 44,3 ha để tạo tiền đề về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông… nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Huyện cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tạo sự gần gũi thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp.
ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thời gian qua, huyện Bù Đốp đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) từ huyện đến cơ sở, từng bước đáp ứng việc ứng dụng CNTT. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện về chuyển đổi số, tổ công nghệ số các xã, thị trấn và 52/52 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, ấp.
Đến nay, 100% văn bản chỉ đạo giữa các cơ quan nhà nước từ huyện đến các xã, thị trấn được thực hiện trên môi trường mạng. Hệ thống dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của huyện về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, tư pháp, kinh doanh, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội được liên thông 4 cấp và đồng bộ từ mức độ 1, 2, 3, 4. Các doanh nghiệp được triển khai, hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử, sử dụng nền tảng số, hợp đồng điện tử… Qua đó, đã góp phần công khai, minh bạch hoạt động giải quyết các TTHC của các cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và từng bước tạo dựng niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, huyện Bù Đốp tiếp tục tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội trên địa bàn huyện trong chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, mở rộng tuyên truyền sâu rộng trong các doanh nghiệp, người dân về tầm quan trọng, tác dụng chuyển đổi số trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…