Năm 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, một chương mới cho ngành nông nghiệp Việt sẽ được mở ra với nhiều cơ hội lớn, và hàng loạt thách thức.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Ngành nông nghiệp tiếp tục chứng minh vai trò "điểm tựa" của nền kinh tế quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Tuy nhiên bức sang năm 2025, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, một chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ được mở ra với nhiều cơ hội lớn, và hàng loạt thách thức.
Đơn cử như từ góc độ lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho rằng, những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường sẽ ngày càng nhiều, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao các tiêu chuẩn, thách thức, đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.
Về phía Việt Nam, do sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được.
“Thách thức lớn trong giai đoạn tới, tôi cho rằng nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng "nóng", có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi mà các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng”, ông Hiếu nhận định.
Do đó, năm 2025, vị lãnh đạo cho rằng không nên kì vọng quá vào sự tăng trưởng của ngành trái cây mà nên chú trọng tăng cường "sức khoẻ của ngành", tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng…
Đã đến lúc chúng ta không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch con số mấy chục phần trăm như những năm vừa qua, mà lại không để tâm rằng các đối thủ của chúng ta không đứng yên. Họ cũng luôn luôn cải thiện vị trí của họ trên thị trường, cạnh tranh với Việt Nam.
Do đó, về phía các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường.
Được biết, năm 2025, Bộ NN&PTNT lựa chọn chủ đề 2025 là: “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá” như gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.
“Thích ứng linh hoạt” là cách thức để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội mới.
“Khơi thông nguồn lực”, cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, là động lực tăng trưởng, phát triển bền vững.
“Tăng tốc bứt phá” là hướng đến mục tiêu vươn xa, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, giá trị xanh, bền vững không còn là xu hướng. Giảm phát thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường… không còn là khẩu hiệu, hay khuyến nghị cho tương lai, mà đã hiện diện trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày.
Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả, mà chú trọng cả về tổng thể quy trình sản xuất, cách thức sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, về quá trình vận chuyển nông sản, từ cánh đồng, ao nuôi… đến bàn ăn, có bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường? Và cả câu chuyện cảm xúc, độc đáo của chính người nông dân, của làng quê nông thôn.
Chính vì vậy, sự hợp lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành tài nguyên và môi trường vừa thích ứng kịp thời với xu thế toàn cầu, vừa tạo nên sự gắn kết tổng thể, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững.
“Hợp lực, đồng lòng”, tất cả cùng dốc sức cho sự phát triển “nông nghiệp - nông dân - nông thôn”, vì sự bền vững của “tài nguyên - môi trường”.
Nông nghiệp Việt Nam - Điểm tựa và niềm tin, sẽ luôn vững bước, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bà con nông dân, cho cộng đồng dân cư nông thôn, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.