Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Mặc dù việc triển khai năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã có các bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, nhưng các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong kế hoạch vẫn chưa đủ.
>>>Điện thiếu và chính sách cho năng lượng tái tạo
Theo báo cáo chỉ số Net Zero lần thứ 15 của PwC, Châu Á Thái Bình Dương, khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, đóng góp gần một nửa lượng khí thải toàn cầu. Mặc dù ghi nhận các tăng trưởng về kinh tế, khu vực này phải đối mặt với những rủi ro khí hậu đáng kể, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu như Việt Nam.
“Nếu không có các hành động về khí hậu, kịch bản phát thải cao có thể dẫn đến tổn thất về GDP nghiêm trọng lên đến 24% do tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2100”, báo cáo này lượng hóa.
Tại Việt Nam, PwC trong báo cáo mới về chuyển dịch năng lượng dành cho doanh nghiệp, đưa ra nhận định rằng quá trình chuyển dịch năng lượng đang tăng tốc nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu kể từ COP26. Chính phủ đang theo đuổi những cải cách và đầu tư liên tục nhằm mục đích chuyển dịch nền kinh tế hướng tới Net Zero, bao gồm việc ký kết Hiệp định Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) và phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện VIII (PDP VIII) và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII sau một thời gian dài chờ đợi.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam khó có thể đạt được cam kết Net Zero nếu không có các hành động nghiêm túc và thay đổi mang tính nền tảng.
Dẫn theo nhận định Climate Action Tracker, mặc dù việc triển khai năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã có các bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong kế hoạch của Chính phủ vẫn được xem là chưa đủ.
“Việt Nam đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, sự gián đoạn trong sản xuất thủy điện và sự phụ thuộc nhiều vào sản xuất điện than, dẫn đến những thách thức về an ninh năng lượng.
>>>Phát triển năng lượng tái tạo: Chìa khóa để thành công
Mặc dù hỗ trợ quốc tế cam kết theo JETP và từ các tổ chức tài chíntổ chức tài chính phát triển khác có thể hỗ trợ Việt Nam thu hẹp một số khoảng cách, nhưng vẫn cần có những hành động cụ thể hơn nữa. Khu vực tư nhân có thể đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch này. Những động thái hữu hình và khả thi từ khu vực tư nhân có thể giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp, đồng thời đưa Việt Nam trở lại đúng hướng để đạt được các mục tiêu về Net Zero”, PwC Việt Nam nhấn mạnh.
Một số liệu thống kê ghi nhận, đến năm 2023, Việt Nam nằm trong khoảng 120 quốc gia đã cam kết hoặc cân nhắc sẽ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tham gia Cuộc đua về Net Zero, hơn 9.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 cơ sở giáo dục và hơn 600 tổ chức tài chính đã cam kết hành động để cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.
Kế hoạch phát thải ròng bằng không sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực do có phạm vi chuyển dịch năng lượng rộng. Đặc biệt, các lĩnh vực có lượng phát thải khí nhà kính (KNK) đáng kể, như Điện, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Quy trình công nghiệp và Xây dựng, đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu.
Tại Việt Nam, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia lần thứ VIII của Việt Nam (QHĐ VIII), được phê duyệt vào tháng 5 năm 2023, đã vạch ra một kế hoạch tham vọng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Vào tháng 4 năm 2024, Quyết định số 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Kế hoạch này đã vạch ra một sự thay đổi lớn trong ngành điện của Việt Nam, nhấn mạnh vào phát triển năng lượng tái tạo, pin lưu trữ, hydrogen và ammonia. Theo sát cam kết của chính phủ về net zero vào năm 2050, QHĐ VIII giải quyết nhiều vấn đề nhưng cũng ghi nhận những thách thức trong quá trình triển khai có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và các bên liên quan trong ngành.
PwC phân tích, cam kết của Việt Nam trong việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo được thể hiện rõ trong các mục tiêu công suất lắp đặt được nêu trong Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII và QHĐ VIII.
Loại bỏ dần nhiệt điện than: Công suất nhiệt điện than dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và sẽ dần dần được loại bỏ công suất về 0 từ năm 2030 đến năm 2050. QHĐ VIII đề xuất loại bỏ thêm 13.220 MW nhiệt điện than so với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VII (điều chỉnh).
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo: Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII hướng tới tỷ trọng đáng kể, đặt mục tiêu 30,9 - 39,2% và 67,5 - 71,5% tổng điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030 và 2050.
Các dự án lưới điện truyền tải nhằm tạo điều kiện kết nối các dự án năng lượng tái tạo: Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII nhấn mạnh việc ưu tiên các dự án lưới điện truyền tải nhằm phát triển các nguồn điện gió trên bờ, điện sinh khối và điện rác, tạo điều kiện cho hệ thống điện quốc gia hỗ trợ sự chuyển dịch của cơ cấu năng lượng quốc gia sang hướng bền vững hơn.
Đến năm 2030, các trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng sẽ được hình thành, một ở miền Bắc và một ở miền Trung - Nam, với vai trò là trung tâm phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo, khu công nghiệp sinh thái và công nghiệp cacbon thấp, trung tâm nghiên cứu - phát triển và giáo dục.
Cùng với dịch chuyển năng lượng từ chính ngành năng lượngngành năng lượng, PwC cho rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đang chủ động đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng. Trong bối cảnh thịị trường năng lượng đang phát triển mang lại cả những rủi ro ngày càng tăng và những cơ hội dồi dào trong một hệ sinh thái năng lượng mới; Những doanh nghiệp chủ động đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng có nhiều cơ hội để thành công. Cụ thể:
Những doanh nghiệp chủ động có thể giảm thiểu những rủi ro liên quan: Quá trình chuyển dịch trong thị trường năng lượng tạo ra rủi ro lớn và liên tục gia tăng cho bên tiêu thụ năng lượng, bao gồm chi phí năng lượng tăng cao, nguy cơ từ bất ổn địa chính trị và các vấn đề khác. Các doanh nghiệp chủ động trong quá trình chuyển dịch năng lượng có thể ứng phó tốt hơn trước các rủi ro về biến đổi khí hậu và tránh được nguy cơ tụt hậu trong hệ thống năng lượng sạch trong tương lai.
Những cơ hội quan trọng đang chờ đợi các doanh nghiệp chủ động: Có nhiều cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp sử dụng và cung cấp năng lượng trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Những doanh nghiệp chuyển dịch sớm và chủ động sẽ có được lợi thế của người đi đầu, từ đó điều hướng các hoạt động kinh doanh phù hợp với thay đổi của người tiêu dùng, cũng như các công nghệ và thị trường mới nổi
“Chuyển dịch năng lượng đóng vai trò là chiến lược giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng là một động thái kinh doanh hấp dẫn để các công ty mở ra những cơ hội quan trọng.
Thực hiện các bước chuyển dịch năng lượng chủ động cũng có thể cho phép các công ty tư nhân ở Việt Nam vừa bảo toàn được giá trị trước rủi ro từ quá trình chuyển dịch năng lượng, vừa theo đuổi các cơ hội tăng trưởng giá trị”, theo chuyên gia PwC.
Trước đó, tại một sự kiện do FPT Digital tổ chức trong tháng 5, ông Lê Vũ Minh - Giám đốc tư vấn FPT Digital cũng chia sẻ, chuyển dịch năng lượng vừa là yêu cầu bắt buộc từ thị trường, từ đối tác vừa trở thành hướng đi tất yếu, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu sản xuất xanh, sạch và bền vững.
Theo ông Minh, xu hướng chung các thị trường này đều đòi hỏi nhà xuất khẩu, nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng phải đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo… Nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ phải rời bỏ cuộc chơi, dẫn đến mất khách hàng, mất thị trường và điều đó đồng nghĩa mất đi khả năng cạnh tranh.
Ông Stuart Livesey - đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam nhận xét, tại Việt Nam, hiện còn một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng, bao gồm cả vấn đề hạ tầng, cơ chế lẫn cả phía doanh nghiệp.
Đặc biệt về phía doanh nghiệp, do mỗi đơn vị đều có những đặc thù riêng, nên trước hết cần phải tính toán, xác định được đặc điểm về nguồn, nhu cầu sử dụng năng lượng trong từng công đoạn sản xuất, từng khu vực. Chuyên gia khuyến nghị, căn cứ vào những dữ liệu đầu vào đó, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng quản lý việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng từ các nguồn hiện có một cách tối ưu nhất, rồi từng bước tìm cách thay thế các nguồn năng lượng mới, xanh sạch hơn. Vì vậy, việc lựa chọn hướng đi và giải pháp nào phù hợp với thực trạng, với mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cũng như định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo
19:19, 29/05/2024
Gen Well tràn đầy năng lượng trong hành trình về với thiên nhiên tại Eco Camp
15:38, 31/05/2024
LNG – Hành trình năng lượng xanh
10:14, 29/05/2024
ASEAN nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng
03:00, 28/05/2024
Hợp tác chương trình Mini MBA toàn cầu về Phát triển bền vững cho ngành năng lượng
08:18, 24/05/2024
Công ty khởi nghiệp điện gió "cách mạng hóa" chi phí sản xuất năng lượng tới 70%
11:23, 22/05/2024