Tỉnh Quảng Trị xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Đạt nhiều thành tựu quan trọng
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quan tâm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, người dân cũng vào cuộc mạnh mẽ. Nhờ đó, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của toàn xã hội, giúp tăng năng suất lao động, minh bạch hơn, giảm sự nhũng nhiễu, tham nhũng trong lĩnh vực công.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở với vai trò tham mưu trong lĩnh vực đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND các nghị quyết, kế hoạch, đề án, dự án và hướng dẫn các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động như: Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy đã tham mưu Quyết định 1982/QĐ-UBND tỉnh về phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 và định hướng đến 2030.
Theo đó, các ngành chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành tích hợp vào Trung tâm giám sát điều hành thông minh của tỉnh(IOC) để cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kịp thời, giám sát hoạt động của các sở, ngành, địa phương đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, Trung tâm IOC đã tích hợp một số cơ sở dữ liệu như: Giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, Cổng dịch vụ công, Y tế, Giáo dụ, báo cáo kinh tế xã-hội, giám sát báo chí, mạng xã hội. Đặc biệt là tích hợp Cổng phản ánh hiện trường tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp nhằm tạo kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền phản ánh những vấn đề tiêu cực xảy ra trong xã hội để chính quyền xử lý một cách nhanh nhất, kết quả giải quyết được công khai minh bạch người dân, doanh nghiệp giám sát và đo lường sự hài lòng.
Theo bà Huyền, từ cách làm bài bản, có chiến lược và tranh thủ chỉ đạo của Trung ương về Chuyển đổi số, tận dụng tối đa nguồn lực trong xã hội kết hợp nguồn lực của nhà nước tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu cho toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp như: minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công mức độ cao (toàn trình) giúp người dân và doanh nghiệp giảm về thời gian và tránh sự nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ công chức, xây dựng nhiều công cụ số để giám sát kết quả và thái độ phục vụ của các cơ quan công quyền từ đó đã nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin mạng... Qua đó, Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị được cải thiện, các điểm số thành phần về nhận thức số, thể chế số và hạ tầng số đều tăng đáng kể.
Về hạ tầng số, đến nay, 92,7% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 107,349%; 156 cơ quan hành chính nhà nước các cấp có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (đạt 100%).
Một số nền tảng số được triển khai, duy trì trên địa bàn tỉnh bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Nền tảng giám sát điều hành thông minh; Nền tảng trợ lý ảo với tổng đài AI 1900868674; Nền tảng giám sát an toàn thông tin mạng, Nền tảng giám sát báo chí – truyền thông và mạng xã hội, Nền tảng định danh điện tử…
Về nhân lực số, 100% các sở, ban ngành và địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tham mưu công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin. Toàn tỉnh đã thành lập 115 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã và 715 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn với tổng số 4.327 thành viên. Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai 19 lớp tập huấn về chuyển đổi số và an toàn thông tin cho cán bộ công chức tỉnh.
Về chính quyền số, cổng thông tin điện tử tỉnh, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đến nay đã kết nối với Trung tâm giám sát quốc gia về chính phủ số và đã chuyển đổi sang công nghệ IPv6; toàn tỉnh đã cung cấp 1.197 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và 562 DVCTT một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; cung cấp 777 DVCTT toàn trình và 207 DVCTT một phần trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Quảng Trị cũng đã thiết lập thêm kênh zalo để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến đến tận người dân và doanh nghiệp.
Ngày 10/7/2024, Bộ TT & TT ban hành văn bản số 2710/BTTTT-CĐSQG công bố chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh. Theo đó, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Quảng Trị đạt mức độ C và xếp vị trí thứ 4 trên toàn quốc (chỉ sau Bình Dương, Bà rịa - Vũng tàu và Nghệ An).
Về kinh tế số, toàn tỉnh có 829 doanh nghiệp công nghệ số, đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có triển khai nền tảng hóa đơn điện tử. 100% cơ sở khám chữa bệnh và 100% các trường học, cơ sở giáo dục đến nay đã đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Trị, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua địa bàn, ngành tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn pháp luật, chính sách thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhằm đảm bảo công tác quản lý hải quan, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến mô hình Hải quan số, giúp cho doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.
Còn đó những khó khăn…
Hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số sâu, rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: chưa có nhiều doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, nên khó phát triển kinh tế số.
Tỉnh Quảng Trị không có các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học có chuyên ngành đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số nên gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của CNTT và chuyển đổi số chưa thực sự đầy đủ; Nguồn lực (tài chính, con người, hạ tầng) triển khai chuyển đổi số tại cấp huyện và cấp xã còn thiếu và yếu….
GS Hà Tôn Vinh, Giám đốc chương trình đào tạo lãnh đạo, Đại học California Miramar (Hoa Kỳ) cho rằng, tỉnh Quảng Trị cần chú trọng chuyển đổi số cho ngành du lịch. Tỉnh cần xây dựng chiến lược và áp dụng chiến thuật chuyển đổi số; chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống từ quản lý công đến hỗ trợ du lịch; đầu tư phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ để kết nối và chăm sóc khách hàng, kinh doanh và quản trị trên nền tảng số; kết nối quốc gia và quốc tế; Đẩy mạnh phát triển ứng dụng điện thoại di động, website quảng bá du lịch; phát triển truyền thông quảng bá du lịch trên mạng xã hội; cung cấp thêm thông tin phổ biến bằng tiếng Anh; ứng dụng công nghệ AI, tự động hóa, du lịch ảo ứng dụng kỹ thuật số; Virtual Tour (chuyến tham quan ảo) hay Interactive Tour (chuyến tham quan tương tác) phổ biến đối với khách du lịch ở nhiều nước trên thế giới (video 360, ảnh Panorama (toàn cảnh), ảnh Flycam...
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị bà Nguyễn Thị Huyền, chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới. Do đó, việc nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, rộng khắp ở các cấp, các ngành, lĩnh vực.
Trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ tăng cường triển khai tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh; Tiếp tục phát triển thương mại điện tử; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được tiếp cận dùng thử và hướng đến thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số; tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP tỉnh….