Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội trong đó cần chú trọng sự thay đổi trong quy trình, nhận thức, thói quen chứ không chỉ riêng vấn đề công nghệ.
Trao đổi tại Diễn đàn “Chuyển đổi số Doanh nghiệp – Hiểu đúng, để làm đúng”, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh, chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc. Và để làm được điều này, các doanh nghiệp cần chú trọng sự thay đổi trong quy trình, nhận thức, thói quen chứ không chỉ riêng vấn đề công nghệ.
Theo ông Đường, đo lường chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số. Trên thực tế, Bộ TT&TT đã xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi doanh nghiệp trong năm 2021 với 3 chỉ số thành phần bao gồm chỉ số chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chỉ số cho doanh nghiệp lớn và chỉ số cho các Tập đoàn, Tổng công ty.
“Thông qua Bộ chỉ số, các doanh nghiệp sẽ có bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số; xác định được đang ở giai đoạn nào, và các khâu mạnh yếu của mình theo từng trụ cột của chuyển đổi số; hỗ trợ đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển toàn diện. Đồng thời, Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp, đưa ra các khuyến nghị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Đường cho biết.
Đặc biệt, trong cấu trúc bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp gồm 6 trụ cột trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược, hạ tầng và công nghệ, vận hành, văn hóa số và dữ liệu, tài sản thông tin, ông Đường nhấn mạnh, “Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải nghiệm số quan trọng hơn chiến lược”. Trải nghiệm số cho khách hàng là trụ cột để đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc cung cấp cho khách hàng các trải nghiệm số hấp dẫn trên các kênh tương tác trực tuyến ưa thích.
Bên cạnh đó, ông Đường cũng chỉ ra, việc đánh giá mức độ xuất sắc trong các kế hoạch của doanh nghiệp nhằm tăng khả năng cạnh tranh tầm cao thông qua chiến lược chuyển đổi số toàn diện và các sáng kiến đổi mới sáng tạo hỗ trợ cho chiến lược kinh doanh tổng thể.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bộ chỉ số được chia thành 6 trụ cột với 10 thành phần và 60 tiêu chí; trong đó, tiêu chí chiến lược được đánh giá ít điểm hơn. Trong khi đó, với các doanh nghiệp lớn, bộ chỉ số có 6 trụ cột với 25 thành phần và 139 tiêu chí.
Dựa trên bộ chỉ số trên, các tiêu chí được chấm điểm theo 6 mức (từ 0-5đ), từ đó xác định có 5 mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp bao gồm khởi động, bắt đầu, hình thành, nâng cao và dẫn dắt. Đặc biệt, ông Đường phân tích, các doanh nghiệp đạt đến mức ba đã thành công trong việc hình thành doanh nghiệp số và qua mức năm thực sự chuyển đổi số thành công để trở thành doanh nghiệp công nghệ số.
Theo ông Đường, để chuyển đổi số toàn diện, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy nhận thức, đồng thời tích cực tham gia nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, cũng như định kỳ đánh giá, xác định đúng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp để cập nhật kế hoạch và lộ trình trong giai đoạn tới.
Ông Đường nhấn mạnh, để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thành công, tất cả các đơn vị bộ phận thuộc doanh nghiệp vào cuộc, thống nhất mục tiêu và hoạt động đồng bộ. “Chuyển đổi số là tiến về phía trước. Nếu tất cả đều đi về một hướng thì thành công tự sẽ đến". Ông Đường cũng khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác cùng VCCI và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; đồng thời mong muốn VCCI đưa các chỉ số đánh giá về chuyển đổi số vào tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh nhằm tạo lực đẩy hơn nữa việc chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm