Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, hướng tới kinh tế tuần hoàn.
>>Bộ Xây dựng: Tiếp tục gỡ vướng cho các dự án bất động sản
Chiều ngày 22/12, Báo Xây dựng đã phối hợp với Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải”.
Hành động để giảm phát thải
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.
Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, ngành Xây dựng (hay ngành công nghiệp xây dựng) đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp gọi tắt là IP (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker.
Nguồn phát thải thứ hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng. Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét.
Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện trong hoạt động sản xuất sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
>>Bất động sản công nghiệp 2024: Kỳ vọng dòng vốn FDI
Ngoài ra, ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay các-bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển,…
Kiến tạo không gian tăng trưởng xanh
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, phát thải lớn nhất là sản xuất xi măng, năm 2014 phát thải 47,64 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 91,93 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất gạch xây nung năm 2014: phát thải 5,73 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 4,22 triệu tấn CO2 tương đương; sản xuất vôi công nghiệp năm 2014: phát thải 4,1 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 2,9 triệu tấn CO2 tương đương.
Nhận định về những khó khăn trong việc chuyển đổi xanh, ông Lê Minh Toàn Phương - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng, việc áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thường tốn kém hơn so với các giải pháp truyền thống. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như người dân trong quá trình thực hiện. Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, các công nghệ này vẫn còn chưa phổ biến ở Việt Nam, có thể kể đến như công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon.
Về giải pháp tạo không gian phát triển mới cho Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh, TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng thời các nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam. Đồng thời, xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững; Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Cuối cùng là nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh.
Ông Thiên cho biết, lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh là để kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững, do vậy Việt Nam cần tập trung theo đuổi xu hướng này.
Ngoài ra, đại diện Eurowindow cho rằng, việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng có thể tiết giảm đến 50% khí thải nhà kính. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần tiếp tục ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Cùng với đó, đưa ra các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành; đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng.
Đối với doanh nghiệp, Eurowindow ưu tiên sử dụng các loại vật liệu có thể tái chế, vật liệu an toàn, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường như: thanh profile uPVC đạt tiêu chuẩn “Greenline” không chứa chì, cửa nhôm có cầu cách nhiệt ứng dụng gioăng Santoprene chất lượng cao có khả năng tái chế, cửa gỗ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chứng nhận FSC.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản công nghiệp đối mặt với áp lực tăng giá
14:41, 22/12/2023
Bộ Xây dựng: Tiếp tục gỡ vướng cho các dự án bất động sản
13:24, 22/12/2023
Thêm 3 dự án bất động sản vừa được TP.HCM gỡ vướng
10:00, 22/12/2023
Bất động sản 2024 chưa thể trở lại guồng quay
03:00, 22/12/2023
Bất động sản công nghiệp: Tránh bẫy tăng trưởng nóng
16:56, 21/12/2023