Sửa Luật Giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thế nhưng, việc chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an được cho cần một giải trình thuyết phục…
>>> Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Quan ngại sự… xáo trộn
Ngày 17/11/2020, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu về việc tách Luật Giao thông đường bộ và việc chuyển quản lý giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Kết quả, 62,79% đại biểu không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ, 66,74% đại biểu không đồng ý với đề xuất chuyển quản lý giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Lý do được đưa ra, thực tiễn công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, thuận tiện, nhiều người dân ủng hộ, quốc tế công nhận. Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập công ước Vienna và giấy phép lái xe có giá trị sử dụng ở 85 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên công ước này nên việc chuyển đổi như đề xuất là không phù hợp và chưa thuyết phục.
Mới đây, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), một lần nữa tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đề xuất chuyển quản lý giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an” do Bộ Công an tổ chức ngày 10/02 vừa qua, nhiều đại biểu nhất trí về việc giao công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thực tiễn công tác này cho thấy việc quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là hai đối tượng có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau nhưng lại bị chia cắt, nhiều cơ quan quản lý, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, cấp bằng, giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện nên giao cho Bộ Công an là phù hợp.
Ông Đường lý giải, Bộ Công an đang được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm… Trong đó có công tác bảo đảm trật tự an ninh, an toàn giao thông qua chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, cấp giấy phép lái xe.
>>Tách Luật Giao thông đường bộ bị phản đối – vì đâu nên nỗi?
Cùng quan điểm với ông Đường, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, từ năm 1995 đến nay việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được giao cho Bộ Giao thông vận tải. Dù Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe nhưng hoạt động đánh giá, cấp giấy phép lái xe, quản lý sau cấp chỉ đơn thuần là hành chính, chưa gắn với việc giám sát, đánh giá ý thức chấp hành giao thông của người được cấp giấy phép lái xe do Bộ này không có chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự.
“Chúng tôi cho rằng đề nghị chuyển nội dung quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cơ bản là có căn cứ, đúng với yêu cầu thực tế bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, những lý do đã được đưa ra liệu có thuyết phục được dư luận, khi thực tiễn vẫn không ít ý kiến quan ngại về sự xáo trộn và hàng loạt những vấn đề phát sinh nếu đề xuất này được thông qua.
Thông tin với báo chí, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ, sửa Luật Giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và có như vậy, thì Quốc hội khóa XIV mới quyết định đặt lên bàn nghị sự từ năm 2020. Tuy nhiên, khi đó, đa số đại biểu đã không đồng ý tách thành hai luật, cũng như không tán thành chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Lý do không tán thành được nhiều đại biểu phân tích rất kỹ, trong đó, quan trọng nhất là không đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Vì vậy, để tiếp tục trình Quốc hội, trước hết, cần giải trình thật thuyết phục những băn khoăn của của đại biểu khóa trước đã. Nếu những lý do khiến đại biểu chưa đồng ý đều có hướng giải quyết, thì mới nên tiếp tục trình ra Quốc hội.
Theo ông Cường, với việc chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cần đánh giá trên mặt bằng chung là vi phạm trong khâu này có phải là phổ biến nhất trong các loại cấp giấy phép hay không, hạn chế ở đây có nghiêm trọng không. Theo đó, nếu vi phạm trong khâu này quá phổ biến do việc giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là không phù hợp, thì mới phải thay đổi chức năng, nhiệm vụ của bộ máy.
Nếu nguyên nhân là do cơ chế thì mới sửa cơ chế, còn nếu là do con người cụ thể thì không nên sửa cơ chế, mà phải thay thế con người đó. Vì thế, quan trọng nhất phải nhìn nhận rõ xem hạn chế, bất cập của khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (nếu có) đang nằm ở đâu và có phải do cơ chế không?
“Hiện nay, nếu nói về hạn chế hoặc tiêu cực trong cấp phép, thì chắc không chỉ riêng một lĩnh vực cụ thể nào mới có. Nếu quản lý không tốt, thì việc cấp phép ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể xảy ra tiêu cực. Vì thế, nếu phát hiện ở nơi nào làm không tốt thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Nếu cơ quan A làm không được thì trước hết phải cải cách bộ máy ở cơ quan A, chứ không phải chuyển việc đó sang cơ quan B”, ông Cường nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Tách Luật Giao thông đường bộ - Còn đó nhiều ý kiến trái chiều
03:50, 28/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương tích hợp Kế hoạch hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2021-2030
21:29, 16/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2021-2030
21:55, 08/11/2021
Đề xuất tăng mức phạt với nhiều lỗi vi phạm giao thông đường bộ
17:30, 20/09/2021
Đề xuất cơ chế thu phí vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ
04:00, 05/05/2021