Chuyện trù dập giáo viên

SÔNG HÀN 31/03/2021 09:48

Nếu giải quyết không thỏa đáng, không thấu tình đạt lý sẽ thui chột ý chí đấu tranh chống tiêu cực của các nhà giáo và ung nhọt có dịp phát triển trong môi trường giáo dục.

Những ngày vừa qua, thông tin cô Nguyễn Thị Tuất cùng chồng là thầy Phan Viết Nhân (đang công tác tại trường Tiểu học Sài Sơn B) kiến nghị bị lãnh đạo trường trù dập sau khi tố cáo những tiêu cực diễn ra tại ngôi trường mình đang giảng dạy, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Sự việc đang làm “nóng” các mặt báo, cũng như trên  diễn đàn mạng xã hội.

Cô Nguyễn Thị Tuất. Ảnh: Phương Nga.

Cô Nguyễn Thị Tuất. Ảnh: Phương Nga.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 29/3, tại Trường Tiểu học Sài Sơn B, UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung cô Nguyễn Thị Tuất tố bị nhà trường vùi dập.

Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Đức Uy - Chánh thanh tra huyện Quốc Oai làm trưởng đoàn, cùng các thành viên đại diện Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, Ủy ban kiểm tra huyện ủy, Công an huyện và Sở GD&ĐT… Nội dung làm việc là thanh tra toàn diện tất cả sự việc mà cô Tuất phản ánh cũng như dư luận quan tâm.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tuất, cô và chồng đều là những giáo viên giỏi, có hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đạt thành tích cao trong giảng dạy và thi đua. Cô Tuất cho biết, sau khi có những tố cáo tiêu cực trong nhà trường, hai vợ chồng cô liên tục bị ban lãnh đạo gây khó dễ. 

Cụ thể, ban giám hiệu không cho cô đứng lớp, điều cô đi làm nhiều việc không liên quan đến chuyên môn như: Dọn nhà vệ sinh, đi chống dịch, xuống phòng ngồi chờ như bảo vệ… Thậm chí, lãnh đạo đuổi việc cô không lý do, sau đó tiếp tục gọi cô trở lại giảng dạy hai môn Lịch Sử và Địa Lý cho khối lớp 5 (không phải môn chuyên ngành của cô Tuất). Còn ông Nhân thì bị điều chuyển từ khối lớp 5 xuống dạy lớp 2, 3.

trường Tiểu học Sài Sơn B.Ảnh: ANTĐ

trường Tiểu học Sài Sơn B.Ảnh: ANTĐ

Trong bài viết “Có hay không việc trù dập giáo viên ở trường Tiểu học Sài Sơn B?” của tác giả Phương Nga trên Báo Kinh tế Đô thị đã đăng kết luận của Thông báo số 1106/TB-UBND:

“Việc tổ chức lớp học trên lớp qua các tiết thực dạy của cô Tuất cho thấy, cô chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một giáo viên trong việc tổ chức lớp học. Cô không bao quát học sinh trong giờ học, để học sinh đùa nghịch tự do, làm việc riêng trong lớp, tiết học không hiệu quả dẫn đến chất lượng kém.

Cô Nguyễn Thị Tuất còn có những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh, với công việc, nhất là với học sinh, làm ảnh hưởng uy tín nhà giáo”.

Xưa nay, học trò bất mãn vì thầy cô dạy dở cũng có nhiều, học sinh làm đơn xin đổi giáo viên khác cũng không phải là ít nhưng chủ yếu là các em học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Sự phản ứng đổi giáo viên cũng chỉ dừng lại ở việc đưa đơn thư lên Ban Giám hiệu còn hành xử như các em tiểu học này thì theo người viết, đây là lần đầu tiên xảy ra.

Vì thế, đọc bản kết luận thấy có gì đó “sai sai” vì cô Tuất đã có 6 năm đạt chiến sĩ thi đua, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đã có thâm niên đứng lớp 30 năm nên không thể nói cô giáo không có đạo đức nghề giáo, không làm tốt vai trò quản lý học sinh trong giờ học.

Xin hỏi, giáo viên sẽ phải tổ chức lớp học thế nào khi học sinh đồng loạt quậy tập thể? Không chỉ thế, các em còn ngang nhiên thách thức, đánh lại cả cô? Trong khi, giáo viên không được phép la mắng học sinh, càng không được phép dùng roi để phạt. Trong trường hợp này, thử hỏi thầy cô phải làm gì?

Nhiều người nghi ngờ sự phản ứng thái quá của học sinh chính là kịch bản được nhào nặn bởi những bàn tay phù thủy của người lớn nào đó. Nếu người đó đứng trong hàng ngũ nhà giáo thì thật khủng khiếp. Bởi chỉ vì mục đích cá nhân, người làm thầy đã biến những đứa trẻ ngây thơ như tờ giấy trắng thành những học sinh hỗn hào, bất trị đến như thế.

Tức là, nếu chỉ là việc nghịch ngợm đơn thuần của học sinh thì giáo viên nhắc nhở hầu như các em đều nghe. Nhưng giả sử, đằng sau sự chống đối này có bàn tay người lớn nào đó sắp đặt thì chuyện chẳng đơn giản tí nào.

Nhìn rộng vấn đề hơn một chút, trong xã hội hiện nay tồn tại một câu nói vui: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”. Nói là nói vui, nhưng thực tế thì lại buồn, cho thấy một phần trong xã hội hiện nay đang suy thoái về mặt đạo đức.

Sống trung thực và thẳng thắn trong xã hội hiện nay thật là khó, bởi điều đó làm “dễ mất đi” sự gần gũi và thoải mái và cái được đó lại là sự trả thù, vùi dập, tấn công, đe dọa… Những người sống trung thực là những người luôn cảm thấy cô đơn, lạc long giữa xã hội ngày nay.

Nếu những khuất tất trên không được làm rõ, thì sẽ còn nhiều hệ lụy xấu xảy ra. Ngày hôm nay, đám trẻ này đánh được thầy cô ai dám chắc đây chỉ là lần duy nhất? Điều đáng sợ hơn, chúng sẽ trở thành tấm gương xấu cho nhiều học sinh noi theo và nhà trường sẽ dạy ra những thế hệ học sinh thế nào?

Và điều chắc chắn rằng, nếu giải quyết không thỏa đáng, không thấu tình đạt lý sẽ thui chột ý chí đấu tranh chống tiêu cực của các nhà giáo và ung nhọt có dịp phát triển, sinh sôi trong môi trường giáo dục sẽ thật là nguy hiểm.

Dư luận xã hội đang mong chờ kết quả công tâm từ đoàn thanh tra liên ngành!

Có thể bạn quan tâm

  • “Mòn mỏi” chờ hướng dẫn, giáo dục nghề nghiệp “kêu cứu” Thủ tướng

    16:33, 29/03/2021

  • Một góc nhìn về giáo dục thời COVID-19

    05:30, 01/03/2021

  • Bàn về sự tôn nghiêm trong giáo dục

    11:00, 19/02/2021

  • Đầu tư giáo dục và sự chuyên nghiệp

    10:58, 22/01/2021

  • Những tấm gương “phản tác dụng” trong giáo dục

    11:00, 11/12/2020

  • “Cái tâm” trong giáo dục!

    05:00, 07/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyện trù dập giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO