CNG và mục tiêu "lép"

Tiến Minh 17/03/2018 06:30

Là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực phân phối khí nén CNG tại Việt Nam, chiếm khoảng 33%, nhưng mục tiêu năm 2018 của CTCP CNG Việt Nam (CNG) khá dè dặt khi thấp hơn năm 2017.

10 tháng trở lại đây, cổ phiếu CTCP CNG Việt Nam (mã chứng khoán CNG) giao dịch quanh mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Với tỷ lệ cổ tức ổn định từ 15-30% trong những năm qua, CNG phù hợp với nhà đầu tư "ăn chắc mặc bền" hơn là những người thích "lướt sóng". 

Thận trọng với kế hoạch 2018

CTCP CNG Việt Nam (mã chứng khoán CNG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu tổng sản lượng CNG ước đạt 132 triệu SM3 cả năm.

Về chỉ tiêu tài chính, CNG xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2018 dựa trên kịch bản giá dầu thế giới ở mức 55USD/thùng, giá FO 11.124 đồng/kg và tỷ giá 23.000 đồng/USD. Với các thông số cơ sở này, CNG đặt mục tiêu đạt 1.395,7 tỷ đồng doanh thu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 117,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 94,3 tỷ đồng. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 25%.

Bên cạnh đó ban lãnh đạo công ty cũng thống nhất tạm ứng 15% cổ tức bằng tiền cho năm 2017, tương ứng số tiền chi 40,5 tỷ đồng. HĐQT giao Giám đốc công ty hoàn thành các thủ tục cần thiết để thực hiện chi trả trong quý 2/2018.

Bài toán khó của CNG

Năm 2017 CNG Việt Nam đạt 1.314,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 47,6% so với năm trước đó. Mặc dù doanh thu tăng trưởng mạnh, nhưng do giá vốn tăng cao, lên tới gần 66%, nên biên lợi nhuận gộp 2017 của CNG giảm 33% so với năm 2016. Do đó, lợi nhuận gộp thu về giảm 1,5% so với 2016, đạt 234,5 tỷ đồng.

Song song với đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 2017 của CNG cũng tăng tương ứng 6,1% và 18,5% so với năm 2016, nên lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 140,1 tỷ đồng, giảm 5,1%. Kết hợp với việc không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2017 (giai đoạn 2011-2016, CNG được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp) khiến chi phí thuế này tăng 37,6%, nên lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 108 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch LNST đặt ra, nhưng giảm 10,2% so thực hiện năm 2016 và cũng là mức lãi ròng thấp nhất kể từ năm 2011.

Bên cạnh bài toán chi phí, khả năng tăng trưởng sản lượng của CNG cũng là vấn đề mà cổ đông, nhà đầu tư quan tâm, khi mà sản lượng tiêu thụ hiện đã tiệm cận công suất thiết kế.

Hiện Nhà máy CNG Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) là nhà máy chính cung cấp khí cho khu vực miền Nam, với công suất 100 triệu m3 khí/năm. Ngoài ra, từ năm 2015, CNG đã đầu tư trang thiết bị nhằm mở rộng thị trường tại khu vực phía Bắc, khả năng cung cấp đạt khoảng 30 triệu m3 khí/năm.

Sau giai đoạn sản lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh 2012-2016 với mức bình quân 23,1%/năm, CNG vẫn chưa công bố số liệu về sản lượng tiêu thụ trong năm 2017, song mức tăng được dự báo khó duy trì cao như những năm trước, bởi tính đến cuối 2016, các nhà máy nén của CNG đã hoạt động gần hết công suất, sản lượng tiêu thụ đạt 92,4% tại khu vực phía Nam và 90,7% tại khu vực phía Bắc.

Ngay với kế hoạch tiêu thụ 132 triệu m3 khí trong năm 2018 đã tương đương 100% công suất hiện có, nhưng so với sản lượng thực hiện năm 2016, mức tăng chỉ là 10,4%.

Hiện tại, PGD, PGS, PVG và CNG là 4 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực phân phối khí nén CNG tại Việt Nam. Trong đó, CNG là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, chiếm khoảng 33%. Thị trường của CNG chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận như TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… Từ 2015, CNG mở rộng cung cấp khí tại khu vực phía Bắc, tuy nhiên thị phần phía Bắc của Công ty vẫn còn "lép vế".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CNG và mục tiêu "lép"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO