Tài chính doanh nghiệp

Có cần tài sản đảm bảo trái phiếu?

Lê Mỹ 08/11/2024 03:31

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bắt buộc phải có tài sản đảm bảo sẽ hạn chế đáng kể cơ hội phát hành ra công chúng để huy động vốn của các tổ chức kinh doanh.

TPRL va CC

Do đó, dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) cần có quy định sao cho có thể khuyến khích doanh nghiệp phát hành được trái phiếu không yêu cầu tài sản đảm bảo. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ được những khó khăn và tăng quyền lựa chọn cho nhà đầu tư trên thị trường.

“Èo uột” phát hành ra công chúng

Cuối năm 2023, một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở phía Nam, có các tài sản dự án và quỹ đất khá lớn, nhưng doanh thu âm, lỗ ròng gần nửa nghìn tỷ đồng. Một nguồn tin từ doanh nghiệp này cho biết họ đã có kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, tuy nhiên do còn nợ trái phiếu hàng trăm tỷ đồng, các dự án đều đã thế chấp các khoản vay tại ngân hàng hoặc đảm bảo trái phiếu đã phát hành trước đó;...

Trước thực trạng trên, doanh nghiệp này muốn phát hành trái phiếu để tăng dòng tiền trả nợ và phát triển dự án tiếp cũng bất thành, không phát hành được trái phiếu, không vay được thêm vốn ngân hàng, không phát hành được thêm cổ phiếu, dự án cũng đóng băng. Muốn tháo điểm nghẽn thì các dự án đang là tài sản đảm bảo nợ vay hoặc trên thị trường nợ nên nếu không phải các trái chủ có nhu cầu thâu tóm giá rẻ, cũng không rộng đường để bán.

Tình trạng này là câu chuyện của không ít doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Trong đó, có những chủ doanh nghiệp cũng khó khăn nhưng ít nhất còn có “cửa” được ngân hàng bơm vốn theo tiến độ dự án hoặc phát hành hoặc tăng thêm vốn qua thị trường vốn - nợ, nhờ đó có thể cầm cự và cải thiện dần khả năng thanh toán. Điều này cũng đặt ra một vấn đề là nếu ràng buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có tài sản đảm bảo thì thách thức sẽ là nhân thêm nhiều lần. Nhưng nếu không ràng buộc, đối với những doanh nghiệp không đủ bảo chứng để phát hành riêng lẻ và muốn phát hành ra công chúng, thì cơ sở nào để đảm bảo khả năng trả nợ cho trái chủ sau giả định qua được các khâu thẩm định hồ sơ?

Trong khi đó, thực tế cho thấy đang rất xa mục tiêu thúc đẩy hoạt động phát hành TPDN ra công chúng, thay cho riêng lẻ. Theo thống kê của VBMA cập nhật tại quý III/2024, chỉ có 4 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 12,864 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng giá trị phát hành; và 126 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 113,349 tỷ đồng, chiếm 89,8%. Theo VBMA, TPDN chủ yếu vẫn được phát hành qua phương thức riêng lẻ trong năm 2024, chiếm khoảng 90%. Quy mô thị trường so với GDP duy trì xu hướng giảm liên tục kể từ khi đạt đỉnh 17,1% vào năm 2020, xuống 10,9% vào cuối tháng 9/2024…, minh chứng cho khoảng cách này.

Sửa đổi, mở cơ hội cho doanh nghiệp

Theo dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), tại điểm b, khoản 4 Điều 1 quy định “Sửa đổi, bổ sung khoản 3 (chào bán trái phiếu ra công chúng) như sau: bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp TCTD chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ”. Có nghĩa rằng trừ trường hợp ngân hàng được chào bán trái phiếu ra công chúng không cần tài sản đảm bảo, các doanh nghiệp khác đều phải đáp ứng điều kiện.

Về sửa đổi này, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho biết đã có nhiều chiều tranh luận khác nhau. Tuy nhiên theo ông Minh, chiếu theo các quy định quốc tế về phát hành TPDN, việc có tài sản đảm bảo hay không thường phụ thuộc vào loại trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) có các quy định rõ ràng về việc phát hành trái phiếu, bao gồm cả yêu cầu về thông tin tài chính và các điều khoản bảo đảm bao gồm quy định về chuẩn mực kế toán, xếp hạng tín nhiệm và các quy trình đăng ký, nhằm đảm bảo đầy đủ cơ hội phát hành của doanh nghiệp; đồng thời nhằm bảo vệ nhà đầu tư và tính minh bạch trong thị trường tài chính.

Nhìn từ khía cạnh doanh nghiệp, TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã có khung pháp lý và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu, nhưng cần nhiều hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, việc sửa đổi sao cho có thể khuyến khích doanh nghiệp phát hành được trái phiếu không yêu cầu tài sản, sẽ tháo gỡ được những khó khăn và tăng quyền lựa chọn cho nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro cho thị trường, cần tăng cường giám sát và thực thi các quy định để đảm bảo rằng doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

“Mặc dù doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo có thể giảm rủi ro cho nhà đầu tư, nhưng việc định giá tài sản trong bất động sản có thể gặp khó khăn, và không phải lúc nào tài sản cũng có giá trị cao như mong đợi. Hay tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì giá cổ phiếu có thể xuống hoặc mất giá hầu hết nếu doanh nghiệp gặp rủi ro thanh khoản. Do đó, yếu tố thực thi đầy đủ quy định, minh bạch thông tin và năng lực thẩm định hồ sơ của cơ quan quản lý là quan trọng. Cùng với đó, phía nhà đầu tư cần được xác định và đảm bảo là nhà đầu tư chuyên nghiệp”, TS Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có cần tài sản đảm bảo trái phiếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO