Việc tiếp cận vốn vay ưu tiên đã và đang nảy sinh nhiều vướng mắc, bật cập cần xử lý.
>> Kiểm soát rủi ro, hạ lãi vay hay hanh thông vốn?
Theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC), DNNN cần sớm được tiếp cận các nguồn vay ưu tiên cho các dự án điện, năng lượng dầu khí, các lĩnh vực ưu tiên.
DNNN đã và đang được ưu tiên trong cơ chế tiếp cận vốn. Chẳng hạn như Vietnam Airlines trong 2021 đã được NHNN cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng qua SeABank, MSB và SHB. Ngoài ra, SCIC cũng bơm vốn qua mua cổ phiếu phát hành thêm 7.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp thoát âm vốn chủ sở hữu và vẫn trụ trên sàn HOSE. Hay như Agribank được tăng vốn điều lệ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2019, tối đa 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các trường hợp này đều phải được Quốc hội thông qua, Chính phủ phê duyệt.
Trong trường hợp có một Nghị quyết, chính sách được ban hành để DNNN sớm tiếp cận các nguồn vay ưu tiên cho các dự án điện, năng lượng dầu khí, các lĩnh vực ưu tiên theo đề xuất của CMSC, thì “quy trình” có thể được “lược” bớt để áp dụng cho các DNNN nói chung. Điều này tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, nhưng sẽ nảy sinh những bất cập.
Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính, những bất cập nói trên bao gồm:
Thứ nhất, nếu có Nghị quyết hay quy định cụ thể, nguồn vốn ưu tiên sẽ được lấy từ đâu? Nếu lấy từ nguồn đầu tư công thì đã có quy định tại Luật đầu tư công. Nếu tiếp tục lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách thì không thể là nguồn lực lớn, dài hạn, cho tất cả. Nếu từ NHNN tái cấp vốn 0% qua NHTM thì cũng không thể dành cho tất cả, vì chính sách này chỉ dành cho hỗ trợ khẩn cấp. Do đó, nếu không giải quyết bài toán nguồn thì ưu tiên vốn có thể bị chồng chéo.
Thứ hai, nguồn vốn hỗ trợ ưu tiên qua các NHTM thì cần có điều kiện. Chẳng hạn gần đây NHNN đã yêu cầu các NHTM xem xét đảm bảo vốn tín dụng cho doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Đây là chỉ đạo của NHNN, song các NHTM cũng phải chịu trách nhiệm đồng vốn cho vay của mình. Mặt khác, chính các doanh nghiệp cũng đã được ưu đãi theo Nghị định 95/2021, khi doanh nghiệp thực hiện trích lập và sử dụng nhiều dẫn đến quỹ âm, thì sẽ được hoàn lại lãi suất vay trong việc vay vốn ngân hàng…
Thứ ba, với DNNN, vốn không do Chính phủ bảo lãnh nhưng có sự “bảo lãnh vô hình” khi thương hiệu gắn với chủ sở hữu Nhà nước. Trong trường hợp cần thêm ưu tiên, thì việc đảm bảo công bằng trong chính sách đối với cả DNNN và doanh nghiệp tư nhân cần được đặt lên hàng đầu, kể cả với gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nhật Bản tham vọng tăng số ‘doanh nghiệp kỳ lân’ gấp 10 lần
03:31, 27/03/2022
Đừng để “xa vời” gói hỗ trợ lãi suất
11:00, 05/03/2022
Xây chính sách mở với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
05:30, 21/02/2022
Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng như thế nào?
00:06, 19/02/2022
Tháo “rào” thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
09:50, 18/02/2022