Mặc dù thuế quan buộc nhiều quốc gia châu Á phải xem xét lại mô hình sản xuất dựa vào chi phí thấp, nhưng đây cũng là cơ hội để họ bước lên chuỗi giá trị cao hơn.
Căng thẳng thương mại toàn cầu đã khiến nhiều quốc gia châu Á nỗ lực tìm cách ký kết các thỏa thuận thương mại với Washington, trong bối cảnh chuỗi cung ứng tập trung vào lắp ráp giá trị thấp của họ trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Bị kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở châu Á đang lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực nếu các mức thuế được thực thi sau khi thời hạn 90 ngày kết thúc vào đầu tháng Bảy, bởi Mỹ vẫn là một thị trường xuất khẩu trọng yếu đối với họ.
Tuy nhiên, theo Biman Mukherji, chuyên gia kinh tế tập trung vào lĩnh vực kinh doanh của Ấn Độ và châu Á, đối với những nền kinh tế châu Á sẵn sàng đi theo một hướng đổi mới chẳng hạn như công nghệ sạch, đây có thể là một thời điểm mang tính bước ngoặt.
Các mức thuế của ông Trump được áp dụng với hai mục tiêu chính: tái cân bằng cán cân thương mại của Mỹ và đưa ngành sản xuất trở lại nội địa. "Nếu các nền kinh tế châu Á biết tận dụng thế mạnh của mình, họ có thể trở thành những người tiên phong trong một mô hình kinh tế mới", chuyên gia này cho biết.
Theo một báo cáo của Boston Consulting Group (BCG), khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 75% lực lượng lao động toàn cầu, với chi phí nhân công thấp hơn gần 80% so với phương Tây.
Khu vực này cũng chiếm ưu thế trong các nguồn tài nguyên quan trọng, cung cấp 68% lượng niken, 60% lượng lithium và 84% lượng ôxít đất hiếm của thế giới, những nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất pin và xe điện, vốn là trung tâm của quá trình chuyển đổi xanh.
Trong khi trước đây đổi mới công nghệ tiên tiến chủ yếu tập trung ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thì nay đã xuất hiện mạnh mẽ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Với nền tảng đổi mới đa dạng hơn trên nhiều lĩnh vực, kết hợp với tiết kiệm chi phí, tiềm năng của châu Á để vươn lên nấc thang công nghệ là rất lớn, giúp khu vực trở thành một thế lực toàn cầu đáng gờm.
Vì vậy, ông Mukherji cho rằng, các chính phủ châu Á cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy đổi mới, cũng như đảo ngược xu hướng sụt giảm nguồn vốn toàn cầu dành cho doanh nghiệp – vốn từng đạt đỉnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một số quốc gia lại đang tìm cách ký kết các thỏa thuận năng lượng với Washington để tránh bị áp thuế, điều này có thể khiến họ càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Họ cũng có thể phải gánh thêm các chi phí môi trường, trong khi công nghệ sạch lại mang đến cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế.
Giáo sư Atalay Atasu, chuyên ngành quản lý công nghệ và vận hành tại trường kinh doanh INSEAD, đồng thời là Giám đốc sáng kiến kinh doanh bền vững của INSEAD chỉ ra, các ngành công nghệ sạch tại châu Á hoàn toàn có tiềm năng dẫn đầu thế giới nhờ đổi mới tiên tiến.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các quốc gia trong khu vực không nên khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách quá mức vì nó gây tổn hại đến môi trường.
Tập trung vào công nghệ sạch cũng sẽ giúp các quốc gia châu Á đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Liên minh châu Âu sẽ áp thuế lên các sản phẩm có hàm lượng carbon cao từ năm tới. Hướng đến phát triển bền vững cũng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến nhiều ngành công nghiệp khác.
Theo giáo sư Atasu, các quốc gia trong khu vực cần đầu tư vào giáo dục đại học, trợ cấp cho nghiên cứu và đào tạo thế hệ kỹ sư hoặc nhà sáng tạo kế tiếp.
Đã có những tín hiệu tích cực cho thấy các nước châu Á như Ấn Độ đang từng bước nuôi dưỡng các nhà đổi mới và doanh nhân toàn cầu tương lai.
Mặc dù các mức thuế đã buộc nhiều quốc gia châu Á phải xem xét lại mô hình sản xuất dựa vào chi phí thấp, nhưng đây cũng là thời điểm thuận lợi để họ bước lên chuỗi giá trị cao hơn, tạo ra các sản phẩm đổi mới và củng cố nền kinh tế của mình.