Những quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ với Khu kinh tế Vân Đồn đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp định vị chiến lược đầu tư tại đây.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21/4/2020 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Bộ máy mới
Quyết định nêu rõ, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong Khu kinh tế Vân Đồn theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và con dấu hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý được quy định tại Điều 63, Điều 64 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (trừ điểm q khoản 2 Điều 63 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP). Nhiệm vụ, quyền hạn khác được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền hoặc giao Ban Quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức và biên chế, Ban Quản lý gồm Trưởng ban và không quá 2 Phó Trưởng ban. Trưởng ban do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm. Phó Trưởng ban do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm: Văn phòng, Phòng Nghiệp vụ và Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Biên chế công chức của Ban Quản lý do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định trong tổng biên chế hành chính được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm không làm tăng tổng số biên chế công chức của tỉnh và thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định. Số lượng người làm việc: Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư được quyết định số lượng người làm việc theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Quản lý bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan. Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn với Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành. Sau 3 năm triển khai mô hình thí điểm, UBND tỉnh Quảng Ninh tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
20:54, 15/04/2020
16:08, 14/04/2020
11:15, 03/03/2020
14:10, 26/02/2020
00:10, 19/02/2020
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định (số 226/QĐ-TTg, ngày 17/2) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.
Theo đó, cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng, gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải; định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu) và vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới TP Cẩm Phả và huyện Tiên Yên)...
Khát vọng Vân Đồn
Từ nhiều năm trước, Chính phủ và Quảng Ninh đã nhìn thấy tiềm năng lớn của hòn đảo này. Năm 2007, Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập là Khu kinh tế ven biển. Vân Đồn sẽ là trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.
Một hòn đảo đìu hiu hoang vắng thời điểm đó, người ta đã nghi ngờ, đã không dám đặt cược tiền bạc, công sức vào đây. Nhưng Quảng Ninh đã khiến cho những suy nghĩ này phải thay đổi.
Tính từ năm 2012 đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã huy động, thu hút được gần 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phực vụ phát triển Vân Đồn. Trong đó: Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 17.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư (gồm: ngân sách Trung ương 2.050 tỷ đồng, chiếm 3,6%, ngân sách địa phương 15.250 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư); đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 40.300 tỷ đồng, chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP).
Việc đầu tư trên chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng kỹ thuật động lực như: cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4 E, đường cất hạ cánh dài 3,6 km, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, khánh thành vào ngày 30/12/2018; đến nay đã đón gần 2,2 vạn lượt khách. Cao tôc Hạ Long - Vân Đồn..
Nhiều nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam đã có mặt và triển khai các dự án lớn tại Vân Đồn như: Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC đang đề xuất; Dự án Con đường Di sản Vân Đồn do CTCP Vân Đồn Heritage Road đề xuất; dự án Quy hoạch khu vực phía bắc đảo Cái Bầu do liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Vision Transportion Group (VTG), CTCP đầu tư xây dựng Hải Đăng.
Sau những nỗ lực, cố gắng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược vào Vân Đồn, đối với tỉnh Quảng Ninh, với nhà đầu tư thì Quyết định 266/QĐ-TTg là cú hich mới cho Vân Đồn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp gắn bó với Vân Đồn (Quảng Ninh) từ rất sớm, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền khẳng định, rất mong đợi ngày này. Theo ông Quyết, Quy hoạch đã đáp ứng được tất cả mong muốn của các nhà đầu tư. Đây là khát vọng của chính quyền, người dân và các nhà đầu tư.
“Việc điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Vân Đồn đến năm 2040 đã đạt được tầm vóc mang tính quốc tế so với quy hoạch cũ, đáp ứng và thỏa mãn được tất cả mong muốn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để sớm tạo cho Vân Đồn những bứt phá, chúng tôi mong muốn tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện quy hoạch phân khu để đảm bảo các dự án liên quan sớm được triển khai; hoàn thiện hạ tầng nội khu, hệ thống giao thông vành đai kết nối giữa đảo Cái Bầu với các phân khu chức năng để các nhà đầu tư có cơ sở hoàn thiện đồ án của mình hơn”.
Bên cạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước-viễn thông cũng cần được thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là Quảng Ninh cần có kế hoạch dài hơi trong công tác GPMB để các nhà đầu tư sớm hiện thực hóa được các ý tưởng của mình.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn Sun Group; Chủ tịch Sun Group vùng Đông Bắc chia sẻ, là một nhà đầu tư chiến lược tại Vân Đồn, chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác rất vui mừng khi nhận thông tin Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.
Quy hoạch mới mà Thủ tướng vừa phê duyệt sẽ giúp Vân Đồn phát triển tương xứng với tiềm năng và tầm vóc vốn có. Những định hướng phát triển mà bản quy hoạch đưa ra giúp cho các nhà đầu tư như chúng tôi định vị được chiến lược đầu tư, kinh doanh đúng đắn, phù hợp trong thời gian tới.