Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu trước lộ trình tín chỉ carbon.
Đó là nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp về Nghị định 135/2024/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu.
Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu
Theo ông Võ Quang Thuận – nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP đã mở ra cơ hội cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp thiết bị, lắp đặt ĐMTMN cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu trước lộ trình tín chỉ carbon.
Cũng theo ông Thuận, với cơ chế này có thể nói đây là bước tiến mới của các cơ quan làm chính sách, giúp tăng thêm sự tự tin cho các doanh nghiệp muốn tự lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh.
"Thực tế, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu đều có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà không chỉ với mục đích chủ động nguồn điện, giảm mua điện Nhà nước với giá cao, mà còn hướng tới mục tiêu đạt các chứng chỉ xanh, giảm phát thải carbon, hướng tới lộ trình tín chỉ carbon để cạnh tranh về đơn hàng khi xuất khẩu. Mặt khác, việc tự sản tự tiêu gần như là điều đương nhiên, vì trên thực tế, lượng điện dư phát lên lưới cũng không nhiều. Do đó, các doanh nghiệp có thể chấp nhận các mức giá và sản lượng được mua. ”, ông Thuận nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thuận, đối với hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu có công suất dưới 100kW được miễn giấy phép điện lực cũng là điểm mới về cải thiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, những nội dung đáng chú ý của nghị định là chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được áp dụng có tới 9 trường hợp khuyến khích phát triển điện mặt trời, tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong các trường hợp: Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia; Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia; Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100kW.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật. Trong đó, ĐMTMN tự sản, tự tiêu được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành…
Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, điện mặt trời tỉnh Bình Thuận cho rằng, so với đề xuất không mua bán điện mặt trời dư thừa, việc Bộ Công Thương tiếp thu dư luận và đưa ra một mức giá hợp lý để giúp các doanh nghiệp không lãng phí nguồn điện dư thừa là một tín hiệu tích cực.
Cũng theo ông Thịnh, với cơ chế mới, các dự án lắp đặt điện mặt trời đều phải xác định đây là mô hình tự sản tự tiêu, tức là nguồn điện sản sinh ra phải phục vụ chính cho hoạt động sản xuất. Nhưng nếu dư thừa mà không được mua bán thì rất lãng phí nguồn lực xã hội. Kể cả với hộ gia đình, doanh nghiệp hay công sở, có nhiều thời điểm không sử dụng hết nguồn điện mặt trời mái nhà tự làm ra như thời điểm lễ, Tết, thứ 7, Chủ nhật.
“Trong bối cảnh thiếu điện vẫn hiện hữu nên tận dụng nguồn điện này phát sản lượng dư lên lưới và được thanh toán một khoản tiền mang tính khuyến khích, giúp doanh nghiệp có thêm chi phí, hạch toán hóa đơn đầu ra, đầu vào, chứ không xem đây là khoản đầu tư để bán điện sinh lời. Và nếu làm được như vậy là bước tiến rất lớn đối với nhà đầu tư; là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo”, ông Thịnh nói.
Đánh giá về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trưởng ban pháp lý CLB Doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng ngày 15/5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tại Quy hoạch điện VIII, Chính phủ khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ hóa thạch. Đối với điện ĐMTMNm, Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP được xem là điểm mới và tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Song, phần lớn các doanh nghiệp mong muốn Nghị định sẽ đề cập nhiều hơn về cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cũng được phép bán lượng điện dư thừa cho các doanh nghiệp và hộ dân lân cận…
Cũng theo Luật sư Vân, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ giảm tải cho lưới điện quốc gia, đồng thời tận dụng rất hiệu quả tiềm năng điện mặt trời lớn như Việt Nam. Song, chi phí đầu tư ban đầu cho ĐMTMN rất lớn, trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết. Vì vậy, Nhà nước cũng cần tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp được bán điện cho các doanh nghiệp, đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư điện mặt trời.