Phân tích - Bình luận

Cơ hội cho năng lượng xanh

Trương Khắc Trà 31/12/2024 11:12

Pin mặt trời sản xuất tại Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ đề xuất đánh thuế chống bán phá, đặt ra thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho ngành năng lượng xanh Việt Nam.

pin mt2
pin mt2

Quyết định cuối cùng của Mỹ về việc này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 4/2025, với khả năng các mức thuế này có thể được điều chỉnh tăng, giảm hoặc thậm chí bác bỏ hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả điều tra.

Liệu đã công bằng?

Bộ Thương mại Mỹ đã điều tra một số công ty, trong đó chủ yếu là các công ty của Trung Quốc đang có nhà máy sản xuất pin mặt trời tại Đông Nam Á gồm Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Theo quyết định sơ bộ được đăng trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này đã tính toán mức thuế bán phá giá từ 21,31% đến 271,2%.

Cụ thể, Jinko Solar chịu mức thuế 21,31% đối với các sản phẩm sản xuất tại Malaysia và 56,51% đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Trina Solar bị áp mức thuế bán phá giá là 77,85% đối với các sản phẩm sản xuất tại Thái Lan và 54,46% đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Jinko Solar
Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar chiếm khoảng 38% thị phần module quang điện tại Việt Nam


Dự kiến mức thuế trên bắt đầu áp dụng từ ngày 18/4/2025, với Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế sẽ hoàn tất các quyết định của mình vào ngày 2/6/2025 và chính thức có hiệu lực từ ngày 9/6/2025.

Khởi nguồn của quyết định này xuất phát từ những vụ kiện của các công ty cùng ngành đang sản xuất tại Mỹ như Hanwha Qcells, First Solar Inc và một số nhà sản xuất nhỏ hơn đang tìm cách bảo vệ hàng tỷ USD đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ.

Ngược lại, Bộ Thương mại Mỹ không đưa ra bất kỳ mức thuế bán phá giá nào đối với các sản phẩm Hanwha Qcells sản xuất tại Malaysia. Vào tháng 10/2024, Bộ này đã tính toán tỷ lệ trợ cấp là 14,72% cho công ty sản xuất pin mặt trời của Hàn Quốc.

Ông Tim Brightbill, Cố vấn của những công ty đệ đơn kiện cho rằng: “Với các bước khởi đầu này, chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc giải quyết vấn đề thương mại không công bằng đã tồn tại nhiều năm nay, và bảo vệ hàng tỷ USD đầu tư vào chuỗi cung ứng và sản xuất năng lượng mặt trời mới của Mỹ”.

Có thể thấy rằng, động thái của Nhà trắng chịu ảnh hưởng từ mâu thuẫn thương mại Trung Quốc - Mỹ. Từng là cường quốc số 1 trong lĩnh vực này, nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc vượt qua do thua kém về chi phí lao động, mức độ dồi dào của tài nguyên thiên nhiên cũng như tiến bộ công nghệ.

Khi hàng hóa Trung Quốc đánh chiếm mọi ngóc ngách thị trường, người Mỹ - trực tiếp là các công ty Mỹ, bị dồn đến nguy cơ phá sản do mất thị phần. Ở thượng tầng kiến trúc, giới chính trị gia coi đó là một mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Sau rủi ro là cơ hội

Trên thực tế, những công ty sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc mới là đối tượng chịu ảnh hưởng của gói thuế mà Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á chịu thiệt hại về việc làm và nguồn thu thuế khi những doanh nghiệp này dừng sản xuất hoặc rời đi.

Việc doanh nghiệp Trung Quốc di dời hoặc ngừng hoạt động tạo cơ hội cho những công ty bản địa làm chủ thị trường - điều mà trước đây họ không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất rất linh hoạt đến từ Trung Quốc.

Ví dụ, tại Việt Nam, các công ty pin mặt trời Trung Quốc chiếm ít nhất 60% thị phần module quang điện. Riêng Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar chiếm khoảng 38% thị phần; dự kiến doanh thu 2024 tăng gấp 3 lần lên 2,4 tỷ đô la Mỹ. Công ty CP năng lượng IREX là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt vào bảng thống kê.

Theo Vietdata, dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 80% năng lực sản xuất những loại điện năng mới, trong đó riêng năng lượng mặt trời đã chiếm hơn một nửa mức mở rộng năng lượng tái tạo nói trên. Vì vậy, nhiệm vụ của doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho chiến lược dài hạn.

Nền tảng của an ninh năng lượng trong xu thế hiện nay là tự chủ khả năng sản xuất thiết bị, công nghệ khai thác tài nguyên hiện có. Ví dụ, điện gió cần sự hỗ trợ của công nghiệp luyện kim màu; điện mặt trời cần khả năng tinh chế khoáng sản chiến lược như lithium, cobalt, nikel, đất hiếm,…

Nói cách khác, sự ra đi của các công ty nước ngoài để lại khoảng trống cần thiết cho doanh nghiệp nội phát triển, làm chủ thị trường và gia tăng khối lượng xuất khẩu, thu về giá trị thặng dư thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội cho năng lượng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO