Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp đôn đốc công tác chuẩn bị các Hội nghị chuyên đề năm 2018.
Có thể bạn quan tâm |
Trong đó, các Hội nghị tổ chức trong tháng 5 và 6/2018, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức 01 Hội nghị chung về chính sách phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó có các chuyên đề cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Theo đánh giá ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều tác động đến Việt Nam. Trước hết, điều này sẽ giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực như du lịch, y tế.
Để tận dụng tốt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, ông Đàm Bạch Dương cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra cả bên cung (khoa học và công nghệ) và bên cầu (mô hình kinh doanh, đầu tư, thị trường), do đó chú trọng nâng cao năng lực môi trường kinh doanh song song với đổi mới công nghệ là điều quan trọng.
Cụ thể, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông cần đi trước một buớc, cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi công nghệ, song song với việc đưa ra tiêu chuẩn mới cho các doanh nghiệp dẫn dắt.
Bên cạnh đó, một “đứa con” của cuộc cách mạng 4.0 phải kể đến là công nghệ blockchain. Theo ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Phát triển sản phẩm khu vực châu Á, công ty OPENWAY, blockchain là một sổ cái kỹ thuật số được phân chia hay dễ hiểu hơn là cơ sở dữ liệu trong một mạng. Sổ cái được chia sẻ cho những người tham gia vào mạng lưới. Điều này cho thấy rằng trong toàn bộ hệ thống không phải chỉ có một vị trí duy nhất, một tài liệu có thể làm căn cứ đáng tin (authority) duy nhất, vì những lần sao chép cùng một phiên bản sổ cái được đặt ở nhiều nơi. Tất cả các bản sao này được cập nhật khi dữ liệu hoặc giao dịch mới được ghi vào blockchain thông qua sự đồng thuận của tất cả mọi người tham gia. Nó là một hệ thống mạng ngang hàng P2P (peer-to-peer), loại bỏ tất cả mọi khâu trung gian, làm tăng cường an ninh, minh bạch và sự ổn định cũng như giảm thiểu chi phí và lỗi do con người gây ra.
Bằng cách cho phép phân phối các thông tin kỹ thuật số nhưng không được sao chép, công nghệ blockchain đã tạo ra xương sống cho một loại hình internet mới.