Việc Nhà nước dự kiến giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 65% xuống còn 51% trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ giúp Vietinbank (HoSE: CTG) có hội hút thêm vốn ngoại.
Theo dữ liệu trên sàn chứng khoán, tính đến thời điểm này, ngoài cổ đông lớn Nhà nước sở hữu 64,46% CTG, cổ đông ngoại lớn thứ 2 chiếm tỷ lệ 19,73% là The Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ, tiếp đến là Quỹ đầu tư cấp vốn IFC là 4,34%... Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán ACBS, với tỷ lệ này thì room ngoại của CTG đã kín nên trong thời gian trước mắt CTG chưa thể tăng thêm vốn qua khối ngoại.
Trong thời gian qua, khi chưa tăng được vốn điều lệ, CTG đã triển khai nhiều giải pháp khác nhằm cải thiện vốn từ nguồn lực nội tại. Trong đó, có các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn như cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2, điều chỉnh cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro, kiểm soát hệ số rủi ro bình quân góp phần giảm bớt áp lực tăng vốn…
Trước đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó nêu cụ thể hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ba ngân hàng lớn (Vietcombank, BIDV và Vietinbank) trong giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 65% xuống còn 51% tại ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và Vietinbank.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt lộ trình thực hiện niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng trên (VCB, BID và CTG) trên thị trường chứng khoán nước ngoài; riêng Agribank sau khi cổ phần hóa sẽ thực hiện niêm yết tại thị trường trong nước.
Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Trong đó có quy định, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, trừ một số ngành nghề mà điều ước quốc tế, pháp luật có quy định khác.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ chào bán chứng khoán-UBCKNN cho biết, UBCK vẫn bảo lưu quan điểm mở hết cỡ room ngoại trong tất cả các công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, kể cả với lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
"Hiện quy định về các ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài do các Bộ cấp phép. Tuy nhiên, sắp tới ở cấp Chính phủ mới có quyền quy định danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận của nhà đầu tư ngoại. Cùng với đó là danh mục các ngành nghề giới hạn room ngoại sắp tới sẽ ngắn đi rất nhiều so với thời điểm hiện tại để phù hợp với các quy định quốc tế mà chúng ta đã ký", ông Hải cho biết.
Tất cả những điều nói trên sẽ tạo điều kiện cho "Big 3" ngân hàng nói chung và CTG nói riêng tăng thêm tỷ lệ vốn ngoại, góp phần tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng chuẩn Basel II và mở rộng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Khép phiên giao dịch ngày 22/10, cổ phiếu CTG đã cán mốc 32.000 đồng/cp với gần 10 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Đây là mức giá cổ phiếu cao nhất trong vòng 10 tháng qua của ngân hàng này. Trong khi đó, các cổ phiếu thuộc nhóm "Big 3" ngân hàng, như VCB, BID vẫn dậm chân tại chỗ.
Có thể bạn quan tâm