Cơ hội mới cho doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ

NGUYỄN LONG 01/06/2020 18:31

Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), do Bộ KH&CN quản lý đang tổ chức Chương trình VCIC Connect, nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

VCIC Connect tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc, Úc.

VCIC Connect tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc, Úc.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), thực tế ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa sẵn sàng tự lực tiếp thu công nghệ mới. Hiện cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần lớn đều sử dụng công nghệ lạc hậu mức trung bình của thế giới.

Dưới tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ chưa phát triển như Việt Nam, cần đặc biệt coi trọng việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước trên thế giới và đó chính là “bí quyết” nhanh nhất để thành công.

Chính vì vậy, VCIC Connect “Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu để tìm các đối tác chiến lược về công nghệ, tài chính và thương mại.

Tham dự Hội thảo có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, vệ sinh công nghiệp, công nghệ in ấn, công nghệ truyền hình, thiết bị y tế, xe đạp điện thân thiện môi trường …

Chương trình là cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp cận và kết nối với các đối tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, thương mại, đầu tư để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường và thu hút đầu tư theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn và lập hồ sơ, bản chào dự án tiềm năng.

Mục tiêu của chương trình là lựa chọn các dự án tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tiếp nhận công nghệ hoặc kết nối đầu tư với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư quốc tế (Úc, Hàn Quốc).

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN kiêm Giám đốc QLDA VCIC cho biết, yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị quốc tế, bên cạnh yếu tố chính sách còn có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ Việt Nam về xúc tiến đầu tư, về chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Nghiệm, trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua, đã làm ảnh hưởng, thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong thời gian qua, VCIC dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Anh, đã kết nối và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam kết nối nguồn tài trợ quốc tế, nguồn công nghệ.

Các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp.

Các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp.

Nhận định về thực trạng của doanh nghiệp Việt khi ra thị trường quốc tế, ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) cho biết, trước đây, khi ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt chúng ta chưa quen với việc quản trị của doanh nghiệp lớn, cách đàm phán với đối tác lớn nên dẫn đến tình trạng lép vế.

“Điều đó, khiến chúng tôi mong muốn rằng, các doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ mạnh hơn về hành lang pháp lý, hiểu biết hơn về luật pháp của nước sở tại để tìm ra phương án hợp tác tốt nhất” – Chủ tịch VKBIA cho biết.

Đánh giá về chương trình VCIC Conect, Chủ tịch VKBIA ông Trần Hải Linh cho hay: “Chương trình lần này của VCIC phối hợp VKBIA mong muốn làm sao kết nối, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường quốc tế, đặc biệt là mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Hàn Quốc. Việc chọn lựa doanh nghiệp nào có khả năng nhất để từ đó đưa họ tiệm cận để phát triển không chỉ ở lĩnh vực KHCN mà cả ở vấn đề kêu gọi vốn thu hút đầu tư để phát triển lĩnh của doanh nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội mới cho doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO