Cơ hội nào cho hòa đàm Nga- Ukraine?

Diendandoanhnghiep.vn Chiến sự Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ 2 với rất nhiều tồn thất về người và của cho cả hai phía, nhưng triển vọng về một cuộc hòa đàm giữa hai bên vẫn còn là một ẩn số.

Ukraine và Nga đều theo đuổi những mục tiêu không nhân nhượng

Ukraine và Nga đều theo đuổi những mục tiêu không nhân nhượng

>> Chiến sự Nga - Ukraine: Kết cục nào trong năm 2023?

Ukraine quyết chiếm lại lãnh thổ

Suốt một năm qua, Ukraine đã duy trì thế cân bằng với Nga hầu hết nhờ vào viện trợ khí tài quân sự của Mỹ và phương Tây. Chỉ riêng Mỹ đã “đốt” hơn 110 tỷ USD cho cuộc xung đột này. Trong số đó, tên lửa HIMARS đã giúp Ukraine đánh bật được nhiều đội quân Nga trên chiến trường.

Chiến thắng đó đã thắp lại một tia hi vọng cho Ukraine. Nếu như trước đây, không ai nghĩ một đất nước Ukraine nhỏ bé có thể chống lại quân đôi hùng mạnh của ông Putin, thì chiến thắng ở Kherson đã khiến giới lãnh đạo Ukraine tin rằng họ có thể làm những điều thần kỳ.

Thậm chí, không dừng ở tham vọng đẩy lùi quân Nga ra khỏi 4 tỉnh phía Đông, Tổng thống Zelensky còn muốn chiếm lại Crimea, đòi Nga chi trả phí tổn chiến tranh hay xét xử tội ác chiến tranh.

Tham vọng đó tỏ rõ trong những chuyến công du và thái độ thúc giục các đồng minh tăng tốc viện trợ thêm các vũ khí hiện đại cho Ukraine của Tổng thống Zelensky. Hồi tháng 12/2022, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết nước này sẽ cần 300 xe tăng, 600-700 xe chiến đấu bọc thép và 500 khẩu pháo để đẩy lùi quân Nga khỏi các vị trí phòng thủ.

Thế nhưng, mục tiêu đó có vẻ quá xa vời, nhất là khi đồng minh chủ chốt của Ukraine – khối NATO – đang đối mặt với những thách thức về năng lực viện trợ và ý chí chính trị.

Cuộc chiến đã tiêu thụ kho vũ khí của NATO với tốc độ chóng mặt, kể cả các vũ khí cũ từ thời Liên Xô như tên lửa S-300, xe tăng T-72. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây thừa nhận: "Tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần so với tốc độ sản xuất hiện tại của NATO. Điều này đặt áp lực lớn lên ngành công nghiệp quốc phòng của các thành viên khối này”.

Trong khi đó, người dân các nước này cũng dần mất kiên nhẫn với một cuộc chiến tranh kéo dài. Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research cho thấy gần 1/4 người Mỹ tin rằng nước này đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine. Một số đảng viên Cộng hòa cũng đã kêu gọi chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Châu Âu cũng đối mặt với tình trạng tương tự.

Những khó khăn trên có thể coi là một nguyên nhân thúc đẩy Tổng thống Mỹ Biden thực hiện chuyến đi không báo trước tới Urkraine mới đây để kêu gọi sự ủng hộ của NATO đối với Kiev.

Kết quả trên chiến trường có thể là yếu tố then chốt?

Chiến sự Nga- Ukraine ngày càng nóng hơn

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Ông Putin đã hóa giải được thách thức nào?

Nga cũng sẽ không lùi bước

Nga vẫn tỏ rõ quyết tâm theo đuổi các mục tiêu của mình. Đa số các chuyên gia đồng ý rằng đây là cuộc chiến mà Tổng thống Putin không thể thua. Vì vậy, sẽ không có chuyện quân Nga dừng chân ở thời điểm hiện tại.

Bất chấp những suy yếu và chuệch choạc trong các chiến dịch quân sự, Moscow đã nhanh chóng có những điều chỉnh và thích nghi. Theo đó, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh thất bại được thay thế bằng duy trì các điểm phòng thủ đã chiếm được ở miền Đông Ukraine. Hay việc mất đi một lượng lớn khí tài quân sự đang được bù đắp bằng hàng trăm nghìn tân binh huy động từ hồi tháng 9/2022. Đồng thời, quân đội Nga cũng triển khai các biện pháp tấn công từ xa để phá hủy cơ sở hạ tầng Ukraine, như bằng UAV hay tên lửa.

Chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh ở Nga đã trở thành bệ đỡ cho sự ủng hộ rộng rãi các chiến dịch quân sự vào Ukraine. Do đó, một bước lùi của Tổng thống Putin có thể làm mất đi hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn, quyết đoán và đe dọa đến quyền lực của ông trong nước.

Sự quyết tâm của Moscow được thể hiện ở việc ông Putin đã bắt đầu chuyển hướng các ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất quốc phòng. Chi tiêu quân sự của Nga đã tăng 30% so với 2021 và sẽ duy trì ở mức độ này trong năm nay bất chấp những khó khăn về kinh tế bủa vây.

Theo các chuyên gia, điểm dừng của ông Putin ít nhất sẽ là việc quân đội Nga kiểm soát được hoàn toàn 4 tỉnh đã sát nhập. Khi đó, Nga có nhiều động lực hơn để có thể bước vào đàm phán. Tuy nhiên, với thái độ quyết liệt của Tổng thống Zelensky, sẽ khó có chuyện Kiev chấp nhận ngồi lại với Moscow trong tình trạng đó.

Hai bên đều có lý do để tiếp tục cuộc chiến tranh. Ukraine hy vọng sự hỗ trợ quân sự liên tục của phương Tây sẽ giúp nước này giành được ưu thế và buộc Moscow phải thừa nhận thất bại. Trong khi Nga tin rằng họ có thể chịu đựng lâu hơn và chờ đợi sự mệt mỏi của phương Tây đối với cuộc chiến. Điều đó đồng nghĩa với việc, triển vọng về cuộc đàm phán của 2 phía sẽ chỉ được quyết định dựa trên kết quả trên chiến trường trong thời gian tới.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội nào cho hòa đàm Nga- Ukraine? tại chuyên mục Quốc tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713274168 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713274168 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10