Nếu duy trì cách tiếp cận như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo chiến sự Nga - Ukraine sẽ chỉ ngày càng leo thang. Để thay đổi, Mỹ với vai trò đầu tàu cần một giải pháp thực tế hơn.
Cho tới nay, thông điệp của Mỹ và phương Tây có vẻ rất rõ ràng: hỗ trợ Ukraine “cho tới khi còn có thể” nhằm chống lại Nga và áp dụng các biện pháp trừng phạt Moscow. Nhưng điều quan trọng nhất, cách kết thúc cuộc chiến, thì vẫn là một khái niệm mơ hồ.
>>Ukraine tham vọng "hóa giải" bài toán năng lượng của EU
Với một số chuyên gia, các diễn biến ngoại giao, chính trị và thực địa chiến trường như hiện nay sẽ không bao giờ đưa cuộc chiến tranh tới hồi kết.
Ukraine, được tiếp sức bởi vũ khí và hỗ trợ mọi mặt của phương Tây, ngày càng khó từ bỏ tham vọng giành lại cả Donbass và Crimea. Dù quân đội Nga đã suy yếu, nhưng đây vẫn là một đội quân mạnh mẽ và kinh nghiệm.
Những thay đổi liên tục về chiến thuật và cách tiếp cận thời gian qua đã cho thấy sự linh hoạt của quân đội Nga. Moscow không chỉ nhắm vào hệ thống hậu cần của Kiev, mà còn đang khắc chế được một số vũ khí công nghệ cao của Mỹ trên chiến trường.
Vấn đề quan trọng nhất, giành lấy lãnh thổ cũng không phải là hồi kết cho chiến tranh. Ngay cả khi Kiev thành công trong đợt phản công sắp tới, buộc quân đội Nga phải rút lui qua biên giới quốc tế, thì điều đó chỉ càng làm cho Moscow thêm nung nấu ý định tiếp tục chiến đấu.
Ông Putin có thể sẽ huy động thêm nhân lực và vật lực để tiến hành các hoạt động khác, như tăng cường chiến dịch ném bom hoặc cố thủ tại một số địa bàn trọng yếu để kéo dài thời gian, theo các chuyên gia.
Các bài học lịch sử đã cho thấy một thông tin thú vị: “Khi các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia kéo dài hơn một năm, thì trung bình chúng kéo dài hơn một thập kỷ.
Kể cả các cuộc chiến ngắn hơn cũng để lại hậu quả tàn khốc. Cuộc chiến tranh Iran-Iraq kéo dài gần 8 năm, từ 1980 đến 1988, khiến gần nửa triệu người thiệt mạng trong chiến đấu.
Lối thoát nào cho cuộc chiến?
Nếu các cường quốc không thực sự tìm ra giải pháp, tác động của xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine cũng sẽ vô cùng lớn.
Đầu tiên có thể là sự sụp đổ kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ sự biến động về giá ngũ cốc và năng lượng. Sau đó là hợp tác quốc tế rạn nứt giữa bên ủng hộ Ukraine và phe nghiêng về Nga. Trong khi đó, một Hoa Kỳ đang rối bời bởi chia rẽ chính trị nội bộ có nguy cơ “tính toán sai lầm” với một Trung Quốc đang háo hức khẳng định vị thế.
Theo ông Samuel Charap, chuyên gia nghiên cứu về Nga của RAND, Mỹ nên đóng một vai trò chủ động hơn để tìm kiếm giải pháp thực tế nhất cho vấn đề: một hiệp định đình chiến. Thỏa thuận năm 1953 giữa Hàn Quốc và Bắc Triều tiên có thể cung cấp những lựa chọn chính sách phù hợp, khi hai bên về mặt kĩ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, nhưng đã không còn giao tranh thực tế từ lâu.
Nhưng để làm được điều đó, chính quyền Mỹ cần làm được hai việc, theo ông Charap, đó là thảo luận và đưa ra tầm nhìn cho Ukraine về giải pháp này. Dù nhiều khả năng ông Zelensky sẽ khó chấp nhận một số điều kiện, nhưng là “người nắm đằng chuôi”, Mỹ hoàn toàn có thể làm được nếu quyết tâm.
Bên cạnh đó, Mỹ phải bắt đầu nối lại đàm phán với Nga. Không có cuộc chiến tranh nào tự động kết thúc mà không được dẫn dắt bởi các cuộc tiếp xúc. Đây là cách duy nhất để nắm được mong muốn và lợi ích cốt lõi của Moscow trong xung đột.
“Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là vừa tiếp tục giúp Kiev phản công, vừa bắt đầu thảo luận song song với các đồng minh và Ukraine về kết thúc cuộc chiến. Nếu những lợi ích của Ukraine khiến Kremlin sẵn sàng thỏa hiệp hơn, thì cách duy nhất để biết điều đó là thông qua một kênh ngoại giao đang hoạt động”, chuyên gia của RAND viết.
>>EU "nhắn nhủ" Nga điều gì qua Hội nghị EPC?
Kể cả khi đồng ý với kế hoạch này, chính quyền Mỹ cũng sẽ mất ít nhất vài tháng để các đồng minh và Ukraine thống nhất với nhau về một chiến lược đàm phán. Và chắc chắn là lâu hơn để đi đến một thỏa thuận với Nga. Như trường hợp của Hàn Quốc, 575 cuộc họp đã được tổ chức trong hai năm để hoàn thiện gần 40 trang của thỏa thuận.
Tỷ lệ thành công cho kế hoạch này có thể mong manh, và ngay cả khi các cuộc đàm phán đã tạo ra một thỏa thuận, sẽ không bên nào cảm thấy hài lòng hoàn toàn. Nhưng nếu không một ai bắt đầu, sẽ không có ngày kết thúc chiến tranh.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: "Hé lộ" chiến thuật mới của Nga
04:00, 02/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: NATO sắp duyệt đơn xin gia nhập của Ukraine?
04:30, 02/06/2023
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger "hiến kế" hòa bình Nga - Ukraine
04:30, 03/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Lý do Ukraine chưa phản công
11:10, 31/05/2023