Người ta nói nhiều về thành tựu kiến tạo hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên mà ít ai để ý đến cơ hội hợp tác kinh tế Hàn- Triều sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3.
Theo công bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới Triều Tiên có Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong, Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae Won, Chủ tịch LG Koo Kwang Mo và Phó chủ tịch Hyundai Motor Kim Yong Hwan.
Ngoài lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc nói trên, còn các ông: Choi Jeong-woo – Chủ tịch Posco, Lee Jae-woong – CEO SoCar, Shin Han-yong – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp Kaesong, Oh Young-sik – Chủ tịch Tập đoàn đường sắt, Ahn Young-bae – Chủ tịch Tổng cục Du lịch, Kim Jong-gap – Chủ tịch công ty Điện lực và Lee Dong-geol – Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cũng tới Bình Nhưỡng trong chuyến công du lịch sử này của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Triều Tiên.
Qua đó có thể thấy, chuyến đi này sẽ là một cơ hội cho các lãnh đạo kinh tế Hàn Quốc lên những ý tưởng ban đầu về kế hoạch kinh doanh tại Triều Tiên. Và rất có thể họ sẽ thiết lập các hoạt động kinh doanh ngay lập tức khi quan hệ giữa 2 nước được cải thiện.
Đội ngũ doanh nhân hùng hậu như vậy cho thấy, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này không chỉ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa mà còn bàn luận về việc thiết lập “một bản đồ kinh tế mới” cho bán đảo Triều Tiên.
Bản đồ đó chắc chắn sẽ là một bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng. Không tươi sáng sao được khi họ hết sức dễ dàng tìm hiểu nhau vì cùng chung ngôn ngữ, chung nền văn hóa. Đặc biệt, giữa họ có một tình cảm dân tộc thiêng liêng. Do đó, các doanh nhân Hàn Quốc sẽ vô cùng tâm huyết, không tiếc công sức, tiền bạc để đầu tư cho đồng bào miền Bắc thân yêu của họ. Bởi đó không chỉ là lợi nhuận mà còn là máu thịt.
Có thể bạn quan tâm
16:30, 18/09/2018
16:40, 14/09/2018
06:36, 17/09/2018
11:00, 28/08/2018
Cách đây ít tuần, một doanh nhân Hải Phòng có nhiều mối quan hệ làm ăn khá mật thiết với Hàn Quốc tâm sự: Gần đây người Hàn Quốc có biểu hiện chững lại trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của họ. Không ít thỏa thuận, giao kèo với đối tác Việt Nam đã bị họ khất lần.
Hải Phòng là địa phương thu hút đầu tư Hàn Quốc nhiều nhất cả nước. Phố Văn Cao có Làng quốc tế Hướng Dương chủ yếu dành cho người Hàn Quốc được mệnh danh là “phố Hàn”, nay cũng kém đi vẻ sầm uất mọi khi. “Rất có thể họ găm dòng tiền để dành đầu tư về quê hương miền Bắc của họ”, vị doanh nhân này nhận định.
Phải chăng, hoà hoãn với Mỹ để gỡ bỏ các cấm vận, rồi kéo các tập đoàn Hàn Quốc đổ tiền đầu tư vào Bình Nhưỡng chính là tư duy xuyên suốt trong sách lược của ông Kim Jong Un. Điều đó phù hợp với quy luật và xu hướng thời đại, hòa bình cần đi với thịnh vượng!
Phát biểu trước báo giới về kết quả chuyến công du Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Jong Un nhấn mạnh: Thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên hòa bình, thịnh vượng; thỏa thuận quân sự sẽ giúp giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tạo ra hòa bình vĩnh viễn.
Thế nên, các tập đoàn lớn Hàn đều có mặt trong chuyến đi này của Tổng thống Hàn Quốc là điều dễ hiểu. Rất có thể hàng loạt hợp đồng đã được họ chuẩn bị, chỉ chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ cấm vận là sẽ thực thi ngay.
Những chuyển động đầu tư trong tương lai như trên nếu xảy ra sẽ là niềm hạnh phúc đối với người dân hai miền Nam – Bắc Triều Tiên. Nhưng giới kinh doanh Việt Nam không nên thờ ơ với viễn cảnh đó…