Cổ phiếu AGF tăng 30% chỉ trong 1 tuần nhờ đâu?

Nguyễn Long 24/09/2018 04:20

Cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (MCK: AGF) đã gây bất ngờ tăng 30% chỉ sau 1 tuần giao dịch, từ mức 4.000 đồng/cổ phiếu lên 5.190 đồng.

AGF trong diện kiểm soát nhưng cổ phiếu vẫn tăng phi mã

AGF trong diện kiểm soát nhưng vẫn tăng phi mã

Tính từ thời điểm niêm yết đến nay, giá cổ phiếu của AGF đã giảm 74% sau khi đạt đỉnh trên 20.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 01/07/2013. Chốt phiên 21/09, giá cổ phiếu AGF đóng cửa tại mức 5.190 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu AGF nếu so với thời hoàng kim năm 2007 sẽ thấy độ tụt dốc không phanh. Khi đó, AGF thuộc hàng công ty có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Giá cổ phiếu AGF có thời điểm vào tháng 3/2007 tăng lên đến 155.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, AGF đang trong diện kiểm soát đặc biệt từ 7/3/2018 do vi phạm các quy định về công bố thông tin  trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguyên nhân nào khiến AGF lỗ lũy kế tới 178 tỷ đồng?

    04:30, 18/08/2018

  • Đâu là tương lai của AGF khi lỗ lũy kế gần 258 tỷ đồng?

    06:15, 17/07/2018

  • AGF đang "tụt dốc không phanh"?

    07:00, 07/03/2018

Về tình hình sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2018, AGF đạt doanh thu 809 tỷ đồng, nhưng giá vốn hơn 889 tỷ đồng, cộng thêm áp lực chi phí khiến Công ty lỗ ròng hơn 165 tỷ đồng.

Thời điểm 30/6/2018, doanh nghiệp có lỗ lũy kế 257 tỷ đồng, khiến cổ phiếu tiếp tục nằm trong diện kiểm soát đặc biệt. Triển vọng của AGF thêm phần khó khăn khi bị kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục và ngoại trừ về việc tăng trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi.

Tuy nhiên, AGF cho rằng, doanh nghiệp vẫn trong quá trình tái cơ cấu, ngành cá tra đang thuận lợi, nên các khoản phải thu vẫn có thể thu hồi. Công ty đang tích cực thanh lý tài sản, giảm bớt vùng nuôi có hoạt động nuôi trồng không hiệu quả để giảm gánh nặng nguồn vốn lưu động, cho thuê gia công tại các nhà máy chế biến đang tạm ngừng hoạt động do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Đồng thời, Công ty đang thỏa thuận với các ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn lưu động cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Theo một số nhà đầu tư, trong bối cảnh ngành thủy sản đang ở chu kỳ tăng trưởng thì AGF lại thu hẹp hoạt động, đây là giải pháp không thuyết phục họ tin tưởng vào tương lai doanh nghiệp.

Được biết, cùng trong lĩnh vực thủy sản, công ty mẹ của AGF là Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG), sở hữu 79,58% vốn AGF, cũng đang trong tình trạng khó khăn về tài chính.

Từ năm 2015 đến nay, AGF liên tục báo kết quả kinh doanh giảm sút và lỗ nặng. Trong đó, năm 2017 AGF lỗ ròng 187 tỷ đồng, chênh lệch đến 191 tỷ đồng so với con số lãi 4 tỷ đồng mà doanh nghiệp này tự lập.

Hiện nay, mặc dù vẫn là một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra đầu ngành, song triển vọng kinh doanh của AGF, trước mắt là trong năm 2018, đang bị đặt nhiều dấu hỏi.

Đặc biệt là gánh nắng nợ phải trả của AGF lên tới 1.039 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 97,6%. Nợ ngắn hạn của AGF hiện đã tiệm cận tài sản ngắn hạn (1.114 tỷ đồng/1.115tỷ đồng).

Riêng nợ vay của AGF hiện tại là 738 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nợ phải trả và gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Việc thanh toán các khoản nợ vay nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào việc hoạt động kinh doanh thuận lợi hay không. Nếu thị trường không thuận lợi, áp lực từ các khoản nợ vay, lãi vay ngân hàng đối với AGF sẽ ngày càng lớn.

Thật khó lý giải vì sao cổ phiếu AGF lại tăng chóng mặt như vậy khi mà tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này không thuận lợi, thua lỗ lớn, vay nợ nhiều, chưa có phương án khắc phục khó khăn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu AGF tăng 30% chỉ trong 1 tuần nhờ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO