Sau chuỗi ngày bị bán tháo, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt đã có tín hiệu phục hồi trở lại trong một số phiên giao dịch gần đây.
Dịch COVID-19 ngày càng lây lan nhanh đã, đang và tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Theo đó, nhiều cổ phiếu có vốn hoá lớn liên tục bị bán tháo và giảm sâu, các mã đầu ngành tiếp tục rớt điểm.
Thống kê cho thấy, nhiều nhà đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp đầu ngành đã bị "bốc hơi" 40- 50% giá trị tài sản chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt, cổ phiếu BVH đã giảm mạnh từ vùng giá 70.000đ/cp vào tháng 12/2019 xuống chỉ còn 32.300đ/cp trong phiên ngày 23/3, giảm gần 54%. Trong 3 phiên gần đây, giá cổ phiếu BVH đã hồi phục lên mức trên 39.000đ/cp, tham gia dẫn dắt thị trường chung.
Đáng chú ý vào cuối năm 2019, Sumitomo Life gây nhiều chú ý khi chi 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua hơn 41,4 triệu cổ phiếu BVH, tương ứng mức giá 96.817 đồng/cp - cao hơn gần 30% so với thị giá lúc bấy giờ.
Thương vụ này giúp Sumitomo Life đi sâu hơn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam vốn đang được đánh giá khá hấp dẫn. Được biết, số tiền trên được BVH bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu, tăng cường năng lực tài chính, phục vụ cho chiến lược kinh doanh.
Với mức giảm của cổ phiếu BVH gần 54% trong thời gian qua, Sumitomo Life được xem là cổ đông chiến lược chịu tác động mạnh nhất. Với mức thị giá BVH hiện giao dịch tại mức 39.700 đồng/cp, giá trị khoản đầu tư của Sumitomo Life theo đó chỉ còn khoảng 71 triệu USD chỉ sau vài tháng (so với mức 173 triệu USD ban đầu).
Đánh giá về xu hướng cổ phiếu BVH, các chuyên gia Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, cổ phiếu BVH nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng. Bởi Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ do cơ cấu dân số trẻ và thu nhập tăng trưởng trung bình 7%/năm, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp (1,3% so với mức 3 - 4% trong khu vực thị trường đang phát triển) và phí bảo hiểm nhân thọ/người ở mức thấp (21 USD/người so với 70 USD/người tại thị trường đang phát triển).
Bên cạnh đó, dù các ngành khác đang chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng ngành bảo hiểm nói chung và BVH nói riêng sẽ có doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng trong năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
11:43, 03/05/2019
18:00, 02/05/2019
11:02, 27/02/2019
11:29, 09/06/2018
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nói chung và BVH nói riêng đang tích cực đa dạng hóa các sản phẩm giúp giành bớt thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, BSC kỳ vọng trong năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng về phí gốc từ 12- 13% nhờ tăng trưởng chung của ngành bảo hiểm và tăng trưởng mạnh doanh thu phí bảo hiểm trong đại dịch COVID-19…
Mặc dù vậy, đà phục hồi của BVH trong ngắn hạn vẫn chưa có gì đảm bảo khi thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ giảm điểm dưới tác động của dịch COVID-19.