Tăng trưởng tín dụng tích cực năm 2017 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng doanh thu, xử lý nợ xấu hiệu quả, nâng cao lợi nhuận, cải thiện NIM (tỷ lệ lãi cận biên), góp phần tạo đà tăng trưởng cho cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm 2018.
Kinh tế tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán sôi động và tín dụng tăng mạnh, Nghị Quyết 42 của Quốc hội thúc đẩy xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng,... đã và đang giúp cổ phiếu ngân hàng được “đánh bóng” trở lại.
Nhiều yếu tố “nâng đỡ”
Sở dĩ cổ phiếu ngân hàng đang được “đánh bóng” trở lại là do, so với nhiều nhóm ngành khác, sau 5 năm tái cơ cấu và 2 năm xử lý nợ xấu, cổ phiếu ngân hàng từ đỉnh cổ phiếu vua đã chỉ còn được nhà đầu tư săn đón “trong giới hạn”. Sự tăng trưởng đột biến của một số cổ phiếu ngân hàng như VCB, ACB, MBB, VPB, HDB đã khai mở những kỳ vọng mới năm 2018.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/01/2018, chỉ số VN-Index đã đạt mức 1.022,9 điểm, mức cao kỷ lục trong 11 năm qua. So với đầu năm 2017, VN-Index đã tăng tới hơn 51%. Mức tăng này đã đưa VN-Index lên top 3 các chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu và nó cũng thể hiện “lý thuyết”: Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế.
Nhà đầu tư đang so sánh lợi nhuận nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong vòng 5 năm trở lại đây để lọc ra những mã cổ phiếu tăng trưởng cao hơn bình quân chung của ngành và của toàn thị trường.
Theo đánh giá của WB, năm 2018 Việt Nam sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng ở mức 6,5% và một số ngành công nghiệp và sản xuất điện tử sẽ là động lực chính của tăng trưởng.
Tuy nhiên, những lo ngại về nợ xấu của các định chế quốc tế, vẫn còn đó. Chính phủ và ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực cải thiện hiện trạng của dòng tiền đi “lòng vòng” bằng các giải pháp mạnh. VCB thoái vốn khỏi MBB, EIB, OCB và Saigonbank; nhóm LienVietPostBank khi tham gia tái cơ cấu Sacombank đã phải thoái vốn khỏi ngân hàng này…
Lên sàn, nới room ngoại
Trở lại năm 2017, việc các ngân hàng được thực thi bán cổ phần cho khối ngoại ở mức room 30% được xem là một động lực lớn để cổ phiếu ngành ngân hàng trỗi dậy. VCB với thương vụ bán cổ phần cho GIC của Singapore tuy bất thành song cho thấy cơ hội bán vốn ngân hàng Việt cho các nhà đầu tư ngoại là rất lớn.
Cùng với thương vụ “hụt” của VCB, Vietinbank từng có đề xuất tăng room ngoại lên 40%. BIDV trong tháng 11/2017 cũng từng có kế hoạch lấy ý kiến cổ đông về việc bán vốn cổ phần cho Keb Hana Bank.
Như vậy, thực tế không thể phủ nhận cả 3 “ông lớn” nắm hơn 1 nửa thị phần cung cấp tín dụng trên toàn thị trường đang tìm đối tác - nhà mua vốn. Ghi nhận phản ứng thị trường cho thấy những thương vụ đối tác chiến lược ở các ngân hàng một khi sắp thành hiện thực hoặc đang xảy ra, sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng đột ngột.
Ở phía các ngân hàng TMCP tư nhân, nhu cầu tăng vốn, chào bán cổ phần cũng tạo nên những vòng xoáy sóng không hề nhỏ. VPBank, trước thềm niêm yết, đã thực thi kịch bản tăng vốn -bán cổ phần khá ngoạn mục, với sự quan tâm kín room 30%. Kịch bản tương tự đã diễn ra với HDBank khi chào bán cổ phần cho khối ngoại trị giá 300 triệu USD.
Việc khóa room của Techcombank ở mức 0%, ngoạn mục không kém, được giới chuyên môn cho rằng sẽ tạo dư địa vô cùng hấp dẫn cho những đối tác chiến lược nặng ký khi ngân hàng này tiến hành bán cổ phần cho cổ đông ngoại và lên sàn, trong năm nay.
Dù vậy, cổ phiếu ngân hàng có trở lại ngôi vua một cách đích thực hay không, ngay cả khi phân hóa, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng cần thiết khi đi tìm đáp án cho câu trả lời. Bởi mức giá bình quân của 13 ngân hàng niêm yết hiện tại, không còn thấp như trước 2017. Mức tăng trưởng giá cổ phiếu và thanh khoản - một yếu tố thể hiện “sức sống” của hàng hóa chứng khoán cũng đã tăng khá, mặc dù khối lượng giao dịch bình quân vẫn chỉ tập trung ở một số mã nhất định.
Một chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư đang so sánh lợi nhuận nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong vòng 5 năm trở lại đây để lọc ra những mã cổ phiếu có tăng trưởng cao hơn bình quân chung của ngành và của toàn thị trường. Nhìn chung, tăng trưởng vốn hóa thị trường của các ngân hàng vẫn còn ở phía trước và 2018 sẽ là cuộc đua “sắp xếp lại” vị thế của từng ngân hàng, thông qua lợi thế cạnh tranh, sức mạnh nội tại của ngân hàng và kỳ vọng của nhà đầu tư. “Sẽ có những đợt sóng cổ phiếu ngân hàng diễn ra với từng tổ chức và những thông tin có tính tích cực chung cho ngành, đặc biệt đặt trong bối cảnh thị trường vẫn đang sôi động. Dù vậy, ngành ngân hàng vẫn đang còn rất nhiều vấn đề phải đối mặt, cải thiện và 2018 chỉ mới là giai đoạn khởi động của sự tích cực”, một chuyên gia dự báo.