Chứng khoán

Công ty chứng khoán: Lãi nhóm lớn, lỗ nhóm nhỏ, vì sao?

Nguyễn Phương Hà 21/04/2025 04:10

Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025. Bức tranh lợi nhuận tập trung về các doanh nghiệp lớn, trong khi các CTCK nhỏ trồi sụt về thị trường thậm chí thua lỗ…

10.png
Các CTCK có vốn hoá to lãi lớn trong Quý 1/2025

CTCK có vốn hoá lớn lãi cao

Theo Bộ Tài chính, trong 03 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng tích cực khi VN-Index tăng khoảng 3% so với cuối năm 2024. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng đã tăng so với cuối năm ngoái. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán có nhiều khó khăn nhưng thanh khoản trên thị trường đã gia tăng trở lại giúp nhiều nhóm cổ tăng giá tích cực hơn

Riêng vào thời điểm tháng 3 vừa qua, thanh khoản trung bình của thị trường chứng khoán đạt khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên, có phiên đạt ngưỡng 44.000 tỷ đồng ở mức khá khả quan so với trung bình của nhiều năm. Điều này phản ánh những thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều rủi ro từ thị trường thế giới nhưng các doanh nghiệp niêm yết, nhất là Công ty Chứng khoán vẫn có những tăng trưởng, tập trung ở các doanh nghiệp chứng khoán có vốn hoá lớn…

Với vị thế dẫn đầu thị phần trên cả ba sàn với 16,94% tại HOSE, Công ty Chứng khoán VPS ghi nhận lợi nhuận trước thuế 918 tỷ đồng tăng 46%, dù doanh thu giảm 6% còn 1.470 tỷ đồng do mảng môi giới sụt giảm mạnh 40%. Lợi nhuận từ cho vay margin tăng 27% lên hơn 500 tỷ đồng, còn mảng tự doanh tăng trưởng ấn tượng 68%, đạt 224 tỷ đồng. Dư nợ margin tăng mạnh 47% lên 18.340 tỷ đồng

Tiếp theo là CTCK SSI, doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành báo lãi trước thuế 1.017 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động đạt 2.100 tỷ đồng (tăng gần 10%), trong đó riêng hoạt động kinh doanh chứng khoán đóng góp 1.040 tỷ đồng, tăng 15%. Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh 23,5% đạt 26.920 tỷ đồng, cán vượt mốc 1 tỷ USD. SSI giữ vững vị trí thứ hai về thị phần môi giới trên sàn HOSE là 9,93% xếp sau VPS.

Chứng khoán TCBS - Techcombank cũng báo lợi nhuận sau thuế tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 1.011 tỷ đồng nhờ doanh thu hoạt động tăng 334 tỷ tương ứng tăng 20%, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ, và hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm 24 tỷ đồng...

Chứng khoán Vietcap (VCI) trong quý này ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 850,93 tỷ đồng, tăng 5,53% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý giảm 24,84% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 294,87 tỷ đồng, tăng 49,11% so với cùng kỳ. Theo đó, đây là 1 trong những CTCK ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong kỳ. Đáng chú ý, Vietcap cũng tiếp tục giành vị trí thứ 4 trong quý I/2025 với thị phần 6,77%, khẳng định hiệu quả của chiến lược đầu tư thu hút nhà đầu tư cá nhân của Công ty, theo định hướng từ 2024.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MBS là doanh nghiệp lọt trong top 10 thị phần công bố báo cáo tài chính. Quý 1 năm nay, lợi nhuận của MBS đạt 269 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ dù doanh thu hoạt động gần như đi ngang.

Một số trường hợp đặc biệt như CTCK VIX có vốn hoá nhỏ cũng tạo bất ngờ khi doanh thu tăng gần gấp ba lần lên gần 980 tỷ đồng, trong đó 80% đến từ hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là tự doanh...

Như vậy có thể thấy, điểm chung của các CTCK báo lãi chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn, đẩy mạnh tăng vốn trong giai đoạn vừa qua. Trước đó, các CTCK đồng loạt tăng vốn trong giai đoạn 2021 – 2024, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ về quy mô vốn của nhóm CTCK thuộc của các ngân hàng như ACBS, VPBankS, TCBS, LPBS. Tuy nhiên nói riêng với nhóm này, kết quả từ việc tăng vốn của nhóm (trừ TCBS) hiện chưa được phản ánh vào các hoạt động tích cực trong mảng môi giới và cho vay kí quỹ, với kết quả kinh doanh ở các mảng này còn khá khiêm tốn.

Nhóm quy mô nhỏ có lợi nhuận đi xuống

Trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm đầu ngành, các công ty chứng khoán vừa và nhỏ đang đối mặt với dư địa tăng trưởng bị thu hẹp, trong khi chi phí vốn và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Đà suy giảm ở các mảng dịch vụ truyền thống như môi giới, tự doanh, đặc biệt là phát hành trái phiếu, đã kéo theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Trong số các CTCK đã công bố báo cáo tài chính, nhóm giảm lợi nhuận, đó là Chứng khoán Guotai Juonan (IVS), Chứng khoán HD (HDS), Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), Chứng khoán DSC đồng loạt báo lãi quý 1 thấp hơn cùng kỳ. Hầu hết đều trong tình cảnh giảm cả doanh thu và lợi nhuận. IVS báo lãi giảm 33% còn 4,13 tỷ đồng; Doanh thu hoạt động môi giới giảm 34% về 2,8 tỷ đồng đã kéo kết quả kinh doanh của Công ty đi xuống.

CTCK DSC ghi lãi trước thuế quý 1, 67 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu do lãi tự doanh thấp hơn và mảng môi giới lỗ nặng hơn, bất chấp lãi hoạt động cho vay tăng trưởng đến 20%. Công ty Cổ phần Chứng khoán CV dù có nguồn thu có sự khởi sắc nhưng chi phí môi giới lên tới 7,5 tỷ đồng và chi phí quản lý gần 3,7 tỷ đồng khiến Công ty vẫn thua lỗ.

Dù chưa công bố báo cáo đầy đủ, song thực tế cho thấy, hầu hết các CTCK nhỏ thua lỗ, lợi nhuận thụt lùi đều ghi nhận sự sụt giảm ở mảng môi giới và gánh nặng các khoản lãi vay để thực hiện cho vay margin - vốn không thể có lợi thế lớn như các công ty Chứng khoán gắn với ngân hàng. Do vậy, một vài chuyên gia cho rằng đã đến lúc các Công ty Chứng khoán nhỏ phải cân nhắc về định hướng hoạt động, trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay.

Thực tế, cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra, ví dụ bên cạnh những mảng kinh doanh chủ đạo cho vay magin, nhiều CTCK cũng tìm thêm cho mình ngách đi riêng. Một số công ty tung ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới lạ để thu hút nhà đầu tư. Chẳng hạn như, KBSV với sản phẩm tiết kiệm bằng cổ phiếu.

Mảng ngân hàng đầu tư (IB) cũng là mảng các CTCK lựa chọn làm chìa khóa để gia tăng thu nhập, đặc biệt là hoạt động tư vấn cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, dù thị trường này chưa sôi động…Ngoài ra, tăng cường mảng phân tích cũng là chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện song song với các chiến lược cạnh tranh kinh doanh. Với đội ngũ phân tích chuyên nghiệp và luôn cập nhật đầy đủ các thông tin, doanh nghiệp chứng khoán nhỏ kì vọng có thể tồn tại thay vì cạnh tranh thị phần magin so với các doanh nghiệp chứng khoán có vốn hoá lớn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công ty chứng khoán: Lãi nhóm lớn, lỗ nhóm nhỏ, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO