Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng nào sẽ “dậy sóng”?

Nguyễn Anh Minh - Trưởng nhóm đầu tư F319 13/09/2024 2:2

Với triển vọng tích cực cuối năm nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng có thể vẫn sẽ “dậy sóng”.

Bieu do T8

Các nhà đầu tư cần xem xét thận trọng, rà soát các cổ phiếu ngân hàng có triển vọng để đưa vào danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro.

Lực đẩy từ tăng trưởng tín dụng

Theo NHNN, tính đến 7/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,15%, tăng trưởng tín dụng được cải thiện kể từ tháng 4/2024 nhờ sự phục hồi của sản xuất. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm nay vẫn chưa đạt mục tiêu mà NHNN đề ra. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng cả năm nay dự kiến vẫn sẽ đạt mục tiêu 15% với kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% cho cả năm 2024.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Ngành ngân hàng đã triển khai các hội nghị kết nối của tất cả 63 tỉnh, thành phố. Các chính sách tín dụng ưu đãi, các chính sách tín dụng trong chương trình mục tiêu đều được triển khai rất quyết liệt. Về cơ chế chính sách, sau khi thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng mới, nhiều thủ tục đã tinh gọn, đây là điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.

“Trong thời gian sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, cũng như yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung hơn nữa vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

cp ngan hang
Ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 20%, tạo ra những cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Các nhóm ngân hàng tiềm năng

Từ mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong năm 2024 và triển vọng sắp tới, các ngân hàng sau đây có thể bứt phá:

Thứ nhất, các ngân hàng có biên lãi ròng (NIM) cao hơn; các ngân hàng có thể hy sinh NIM bằng cách giảm lãi suất cho vay, bao gồm: VPB, MBB, TCB và HDB.

Theo MBS, các ngân hàng có lợi thế về chi phí vốn (COF) như HDB, TCB và VPB, có khả năng duy trì NIM trong nửa cuối năm 2024. Năm 2025, giả định nhu cầu tín dụng cao hơn dẫn đến lãi suất cho vay cao hơn sẽ giúp phục hồi NIM của các ngân hàng trong khi COF sẽ được duy trì ở mức tương tự như năm 2024.

Thứ hai, các ngân hàng có chất lượng tài sản đã được kiểm chứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 sẽ có vị thế tốt hơn, như ACB, VCB, TCB…

Thứ ba là nhóm ngân hàng duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao trong lịch sử, có khả năng duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.

Xem xét cổ phiếu ngân hàng nào?

Dựa vào những phân tích nói trên, các nhà đầu tư có thể xem xét một số cổ phiếu ngân hàng sau đây:

Thứ nhất là cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV). Tăng trưởng tín dụng đến hết quý 2/2024 của ngân hàng này đạt 5,9% (so với chỉ 1% trong quý 1/2024). Trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng của BID có thể sẽ đạt 14% do lãi suất cho vay giảm kích thích nhu cầu tín dụng; và mảng cho vay doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Chất lượng tài sản của BID có thể sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2024 nhờ tăng trưởng tín dụng phục hồi; kinh tế phục hồi và việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng trả nợ của người đi vay; lợi nhuận ròng tăng trưởng ổn định sẽ giúp ngân hàng có thêm dư địa để tăng dự phòng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của BID dự báo ở mức 32.000 tỷ đồng, tăng 16%, tương ứng với P/B 2024F = 1.5x và giá mục tiêu 01 năm của BID là 56.500 đồng/cp.

Thứ hai là cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). TCB đã công bố lợi nhuận trước thuế quý 2/2024 đạt hơn 7.800 đồng, tăng 38,5%, tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi về lợi nhuận. TCB kết thúc quý 2/2024 với mức tăng trưởng tín dụng 12,9%, trong đó mảng khách hàng cá nhân bắt đầu tăng tốc 7% so với mảng khách hàng doanh nghiệp là 4%. TCB đang ưu tiên giảm bớt rủi ro từ cho vay bất động sản và dịch chuyển sang cho vay vốn lưu động trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn khó khăn.
Hiện tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm xuống 37,4% so với 40,5% ở quý 1 do tiền gửi có kỳ hạn gia tăng và một phần tiền đã dịch chuyển sang sản phẩm với lãi suất tốt hơn. TCB tham vọng đưa tỷ lệ CASA trở lại 40% vào cuối 2024.

Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của TCB dự báo đạt 27.700 tỷ đồng, tăng 21%, tương đương với giá mục tiêu 30.000 đồng/cp.

Thứ ba là cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB). MBB ghi nhận tăng trưởng tín dụng hợp nhất quý 2 đạt 9,3%. Việc tối ưu hóa cơ cấu huy động cũng là yếu tố chính giúp NIM quý 2 của ngân hàng này tăng 33 điểm phần trăm. Đến đầu tháng 08/2024, tín dụng của ngân hàng tăng 10%. Chất lượng tài sản của ngân hàng được cải thiện tương đối rõ nét. Cả tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu giảm lần lượt xuống 1,8% và 1,6%.

Trong quý 3, MBB dự kiến đạt mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất 12-13%. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của MBB dự báo đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 10%, tương ứng với P/B 2024F = 1.1x và giá mục tiêu 29.300 đồng/cp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu ngân hàng nào sẽ “dậy sóng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO