Hiện, giá cước vận tải đường biển nội địa và đường biển quốc tế đã đang cao hơn 200-400% so với khi trước dịch COVID-19...
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã trải qua năm COVID thứ nhất đầy sôi động bất chấp các ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Trong đó, giá trị xuất khẩu tăng đột biến với sự đóng góp từ các đơn hàng đi Mỹ.
Không phải đợi xuất khẩu tăng mạnh, những năm qua, Việt Nam mới tích cực phát triển hạ tầng logistics Đây là một trong những chìa khóa quan trọng trong cuộc đua giữa các nước, và càng quan trọng hơn khi các chuỗi cung ứng quốc tế có sự dịch chuyển, mở rộng ra ngoài thị trường Trung Quốc sau đại dịch. Sự khan hiếm container với giá cước vận tải biển tăng cũng khiến thị trường một lần nữa nhìn lại sức mạnh và vai trò của các doanh nghiệp logistic.
Bên cạnh đó, với dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Minh chứng là tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã tăng trưởng rõ nét khi các doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho logistic tăng tốc.
Trên thị trường chứng khoán, nhờ sự hồi phục về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển, vận tải và triển vọng sáng của sự dịch chuyển vốn đầu tư đến Việt Nam, ngành logistics đã song hành cùng với việc đi lên của thị trường chứng khoán. Một số cổ phiếu ngành này tăng giá rất mạnh.
Đơn cử như CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH), trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020 của mình, HAH công bố doanh thu đạt 362 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 55 tỷ, tăng 75%.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu đạt 1,192 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, LNST đạt 147 tỷ, tăng 11%. Như vậy, HAH đã hoàn thành 98% kế hoạch doanh thu và 172% kế hoạch LNST.
Theo đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của HAH là khai thác tàu, chiếm 89% doanh thu và tăng 24% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu hoạt động khai thác cảng cũng tăng 12,5%.
Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, Hải An nằm trong số ít các doanh nghiệp vận tải biển hoàn thiện được chuỗi giá trị ngành Logistics bao gồm: cảng biển – vận tải biển – dịch vụ kho bãi. Đến nay, HAH đang sở hữu đội tàu container lớn nhất cả nước với quy mô 7 tàu cùng tổng trọng tải đạt hơn 128.000 DWT. Trong đó, HAH chỉ vừa đầu tư tàu HAIAN VIEW vào tháng 7/2020 để tăng công suất thêm 20%.
Ngoài ra, ở mảng kho bãi, HAH đã đầu tư Trung tâm Logistics Pan Hải An vào quý 2/2020 và đã hoàn thành giai đoạn 2 dự án này với tổng diện tích 15,4 ha. “Vị trí Pan Hải An nằm ở cửa ngõ thuận lợi ở vị trí và là nhân tố kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của HAH”, Mirae Asset Việt Nam lý giải.
Trong năm qua, việc thiếu hụt container ở khu vực Châu Á đã tạo lợi thế lớn cho những doanh nghiệp vận tải biển container như HAH, trong điều kiện ngành hàng không cũng đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng do phải giảm số lượt bay vì thiếu hành khách. Đây cũng là nhân tố hỗ trợ tăng cước phí và gia tăng lượt vận chuyển hàng cho mảng vận tải bằng container.
Nhóm nghiên cứu của SSI Research đã từng đưa ra triển vọng ngành cảng biển và logistics trong năm 2021 sẽ tích cực nhờ phục hồi toàn cầu. Mặc dù dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn trong năm 2021, song do các biện pháp giãn cách xã hội đã giảm bớt và vắc xin trở nên phổ biến, giai đoạn bình thường hóa và tái thiết lập hàng tồn kho sẽ dần diễn ra vào nửa cuối năm nay.
Đồng thời, xuất khẩu của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ tiêu dùng toàn cầu phục hồi. Ước tính giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng biển sẽ tăng 10% vào năm 2021 nhờ các hiệp định FTA mới có hiệu lực.
Hiện, HAH đang được đánh giá tăng trưởng tích cực trên thị trường chứng khoán khi kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3, cổ phiếu HAH ngập sắc xanh với mức định giá 22.500đ/cp, tăng mạnh 3,69%.
Theo phân tích từ công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc vận hành tàu HANAN VIEW sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng trong 2021 cho HAH, khi giá cước vận tải đường biển nội địa và đường biển quốc tế vẫn đang cao hơn 200-400% so với khi trước dịch COVID-19.
“Thông tin Hòa Phát (HPG) dự kiến sản xuất container rỗng ở khu vực Hải Phòng sẽ giải quyết phần nào tình trạng thiếu container rỗng hiện nay và hỗ trợ gia tăng năng suất khai thác đội tàu của HAH”, chuyên gia từ Yuanta nhận định.
Có thể bạn quan tâm