Cổ phiếu thủy sản "chờ thời" quý 4

NGUYỄN LONG 14/09/2021 15:00

Nhóm ngành thủy sản đang chịu tác động mạnh từ việc giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng cao đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của không ít doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thủy sản gặp khó giữa đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp thủy sản gặp khó giữa đại dịch COVID-19.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, châu Âu trong tháng 8/2021 giảm từ 16% đến 50% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản giảm 36%, sang thị trường châu Âu giảm 32%, riêng Hà Lan giảm rất mạnh, gần 50%, Đức giảm gần 42%.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 588 triệu USD, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2021 giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo kết quả khảo sát của VASEP, trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại phía Nam tổ chức sản xuất, nhưng cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động, nên công suất sản xuất trung bình chỉ bằng 40-50% so với trước đây.

Chia sẻ về khó khăn trong sản xuất kinh doanh, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) trong tháng 8 đã phải đối mặt với nhiều khó khăn chung của toàn ngành do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, FMC chỉ sản xuất được 1.618 tấn tôm, giảm 32% so với cùng kỳ và mức tiêu thụ tôm cũng giảm 56% còn 11,1 triệu USD. Theo FMC, Đồng Bằng Sông Cửu Long cùng một số tỉnh Đông Nam Bộ chịu sự tác động khá căng thẳng từ COVID-19; do vậy, trong lĩnh vực thủy sản, một số nhà máy chế biến tôm và cá tra phải đóng cửa vì dịch lây lan mạnh trên địa bàn.

Trong tháng 8, FMC có nửa tháng thực thi sản xuất “ba tại chỗ” và nửa tháng sau có ổn định hơn. Tuy nhiên, như nhiều doanh nghiệp khác, FMC cũng chưa thể hoạt động trở lại tình trạng bình thường vì COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn rủi ro.

Giá nguyên liệu cao kết hợp với chi phí vận chuyển quốc tế tăng vọt khiến CTCP Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) báo lãi quý 2 giảm tốc so với cùng kỳ, xuống còn 86 tỷ đồng. Khép lại nửa đầu năm 2021, ASM ghi nhận doanh thu thuần gần 6,257 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và lãi ròng giảm 26%, xuống còn 200 tỷ đồng. Trong đó, thức ăn cho cá chiếm 38% tổng doanh thu, thương mại chiếm 28%, cá xuất khẩu chiếm 20%, bất động sản chiếm 6%, còn lại đến từ điện năng lượng mặt trời, xây dựng và doanh thu cung cấp dịch vụ.

Chi phí vận chuyển leo thang cũng là vấn đề nhức nhối với CTCP Nam Việt (HOSE: ANV). Mặc dù ghi nhận doanh thu tăng nhưng do chi phí vận chuyển và cước tàu tăng cao khiến lãi ròng quý 2 giảm 26%, xuống còn 24 tỷ đồng. Đây cũng là quý báo lãi thấp nhất trong hơn 4 năm trở lại đây kể từ quý 1/2017.

Giữa đại dịch, nhưng cổ phiếu FMC vẫn tăng mạnh, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/9, FMC có giá 46.900 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất lịch sử. Trong khi đó ở chiều ngược lại ASM lại giảm 3,7% trong phiên 13/9, xuống 15.750 đồng/cổ phiếu. Chung cảnh ngộ, ANV cũng giảm 6,8% xuống còn 30.300 đồng cổ phiếu.

Giá cổ phiếu FMC tăng mạnh.

Giá cổ phiếu FMC tăng mạnh.

Với việc một số nhóm cổ phiếu liên quan đến nhóm thủy sản ảnh hưởng từ COVID-19, vậy tương lai của những nhóm này trong những tháng cuối năm có cải thiện hơn không? Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, về triển vọng của nhóm ngành thủy sản trong ngắn hạn giai đoạn quý 3, VNDirect đánh giá kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi các lệnh giãn cách xã hội, gây đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành.

Ông Đinh Quang Hinh.

Ông Đinh Quang Hinh.

Chúng tôi kỳ vọng sau giai đoạn 15/9, thời điểm Chính phủ bắt đầu quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, một số địa phương mở cửa lại nền kinh tế sẽ giúp hoạt động kinh doanh của ngành thủy sản được phục hồi và kỳ vọng trong quý 4, tình hình sẽ cải thiện hơn với nhóm thủy sản”, ông Hinh cho biết.

Hiện nay nhu cầu thủy sản trên thế giới tương đối lớn, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang mở cửa trở lại, tuy nhiên triển vọng các doanh nghiệp thủy sản trong nước lại phụ thuộc lớn vào việc duy trì được sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Việc sản xuất kinh doanh phải đáp ứng các nhu cầu phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào đến duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng của đơn vị nhập khẩu.

“Do vậy, chúng tôi đánh giá, mặc dù triển vọng ngành thủy sản có thể cải thiện trong quý 4, tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn cuối năm 2021, khi việc khôi phục sản xuất không hề dễ dàng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay”, chuyên gia của VNDirect nhận định.

Mặc dù ngành thủy sản đang gặp khó khăn chung, nhưng trong nửa đầu năm, đối với nhóm xuất khẩu tôm được hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi rất lớn từ thế giới do đó ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực. Tuy nhiên, trong quý 3, khi việc giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh ngành thủy sản sẽ bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp họ sẽ phải giảm công suất hoạt động do đó ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn quý 3, phải chờ đến quý 4, hy vọng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới dần phục hồi trở lại như giai đoạn nửa đầu năm 2021.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp thủy sản bị thiệt vì "sự cố" Trạm Giang

    04:50, 18/06/2021

  • Cổ phiếu thuỷ sản, dệt may tiếp tục "dậy sóng" vì EVFTA?

    04:00, 09/06/2020

  • Cổ phiếu thuỷ sản nào sẽ bật tăng hậu dịch COVID-19?

    04:00, 04/05/2020

  • Giá cổ phiếu thủy sản có còn tăng nóng?

    11:00, 10/05/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu thủy sản "chờ thời" quý 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO