Bất động sản

Cơ quan quản lý nói gì về bảng giá đất mới tại TP. HCM?

Diệu Hoa 16/08/2024 05:00

(DDDN) - Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảng giá đất mới sát với giá thị trường sẽ kéo ngân sách liên quan đất đai như chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù thu hồi đất, thuế phí liên quan đến đất đều tăng.

TP. HCM đang xây dựng, công bố, lấy ý kiến rộng rãi dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, công. Giá đất trong dự thảo phổ biến tăng 10-20 lần so với bảng giá đất hiện hành. Một số vị trí tại huyện Hóc Môn tăng đến 51 lần, còn lại 1 quận và 4 huyện có mức tăng giá trên 30 lần. Nội dung trên tiếp tục nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

bang-gia-dat-tphcm.jpeg
Dự thảo bảng giá đất mới tại TP. HCM tiếp tục nhận ý kiến trái chiều.

Phản ánh đúng thị trường

Chia sẻ liên quan đến vấn đề này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng mức giá này phản ánh đúng thị trường hiện nay và cũng theo nguyên tắc của thị trường.

Theo ông Chính, một điểm mới của Luật Đất đai 2024 so với Luật Đất đai 2013 là quy định về khung giá đất đã được loại bỏ. Luật mới ban hành bảng giá đất hàng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

Cụ thể, UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

"Về cơ bản, mức giá đất mới áp dụng cần phải đáp ứng những yếu tố thị trường và đảm bảo quyền lợi của người dân có quyền sử dụng đất. Mức giá đất phải được giải quyết đồng bộ, đảm bảo sự rạch ròi, minh bạch giữa thu về và mức giá bồi thường cho người dân", ông Chính nhấn mạnh.

Trước đó, thông tin về dự thảo bảng giá đất mới, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cũng cho biết thành phố cần điều chỉnh sớm bảng giá đất để giải quyết các bất cập của bảng giá hiện hành. Bảng giá hiện hành bị khống chế bởi khung giá đất, nhưng Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định về khung này. Do đó, nếu tiếp tục duy trì bảng giá cũ sẽ không đủ làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng bảng giá mới được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn thành phố như Vành đai 3, rạch Xuyên Tâm, kênh Đôi. Bởi giá mới tiệm cận thị trường dễ nhận được sự đồng thuận của người dân vì các mức hỗ trợ, đền bù đều sẽ tăng lên. Các dự án, công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ đúng tiến độ, không bị ách tắc.

Tuy nhiên, TP. HCM hiện đã tạm ngừng áp dụng bảng giá đất mới.

Còn nhiều băn khoăn

Bàn về mức tăng của bảng giá đất mới, LS Võ Minh Mẫn - Thành viên Hội luật gia quận 10 cho rằng, theo ngành Tài nguyên và Môi trường, việc xác định giá đất dựa vào các giao dịch bất động sản thành công và bảng giá bồi thường căn cứ vào Quyết định 02/2020/QĐ-UBND TP. HCM về bảng giá đất, quyết định này ra đời cách đây 4 năm là "cách quá xa, giá đất lạc hậu". Điều này dẫn đến bảng giá mới không phù hợp thực tế gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-15 lúc 20.52.11
Giá rao bán tại tuyến đường Ba Vì (quận 10) lên tới hàng trăm triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với bảng giá đất mới.

Bên cạnh đó, giao dịch thành công vẫn không đảm bảo thông tin chính xác vì thường che giấu số tiền thật, nhằm giảm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.

"Giá mới vẫn chênh lệch với thị trường và không thống nhất giữa cùng tuyến đường, khu vực mà người dân không biết lý do vì sao", ông Mẫn nói.

Ông dẫn ví dụ trên địa bàn quận 10, tuyến đường Ba Vì, giá rao trên các trang bất động sản lên đến vài trăm triệu đồng mỗi m2, nhưng ở dự thảo bảng giá đất điều chỉnh chỉ trên 80 triệu đồng. Tương tự, đường 3/2 bị chia làm ba khúc với 3 mức giá khác nhau và chênh lệch rất lớn mà không rõ lý do.

"Muốn được người dân đồng thuận, bảng giá điều chỉnh phải được tính toán hợp lý, thuyết phục", ông Mẫn nói. Từ thực tế này, ông kiến nghị nhà chức trách nghiên cứu, khảo sát thấu đáo và "không nên vội vàng để có được những con số thiếu chính xác".

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cũng cho rằng bảng giá đất điều chỉnh được tính toán chưa hợp lý.

"Tại một số tuyến đường ở nhiều địa phương lấy giá cũ theo Quyết định 02 nhân với 5-6 lần để ra giá mới, mà không có cơ sở rõ ràng. Trong khi đó, những huyện vùng ven lại tăng quá cao, có địa phương lên đến hơn 50 lần. Điều này khiến người dân tại đây muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất chịu ảnh hưởng rất lớn và cảm thấy "không công bằng khi tỷ lệ tăng quá cao" - ông Châu nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ quan quản lý nói gì về bảng giá đất mới tại TP. HCM?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO