Ngành Thuế sẽ tăng cường rà soát, xử lý doanh nghiệp ngừng hoạt động không làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, đồng thời nợ đọng thuế, trốn thuế, gây thất thu NSNN.
Ngày 11/4, Cục Thuế, Bộ Tài chính vừa có Thư ngỏ tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh về việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cơ quan Thuế cho biết thời gian qua, ngành đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ pháp luật thuế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, cá nhân kinh doanh chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật. Nhiều trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ khi hoạt động, tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, kể từ ngày 01/7/2022, hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc, đến nay ngành Thuế đã xây dựng được “cơ sở dữ liệu lớn” từ thông tin thu thập được từ các giao dịch mua bán trên hóa đơn điện tử, thông tin đăng ký thuế, kê khai, nghĩa vụ thuế, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, cùng sự kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06/CP, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, sàn thương mại điện tử, ngân hàng thương mại và các cơ quan có liên quan.
Trên cơ sở đó, ngành Thuế đã áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML), từ đó giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, nhận diện chính xác thông tin về doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn.
Cụ thể như: không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký; tạm nghỉ kinh doanh, chấm dứt hoạt động nhưng không thực hiện khai báo hoặc chưa hoàn thành các nghĩa vụ liên quan đến ngừng hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế. Một số doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh ngừng hoạt động nhưng không thực hiện đầy đủ các thủ tục quyết toán thuế, chấp hành các quy định kiểm tra thuế của cơ quan thuế.
Nghiêm trọng hơn là tình trạng doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động phát sinh doanh thu nhưng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn nhưng không kê khai, không nộp thuế hoặc kê khai nhưng không đầy đủ hoặc đã khai thuế nhưng không nộp thuế hoặc còn nợ tiền thuế với NSNN nhưng sau đó ngừng hoạt động mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế.
Mặc dù cơ quan thuế đã thực hiện nhiều biện pháp để liên hệ với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có các hành vi vi phạm nên trên nhưng không liên hệ được hoặc không nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh.
Các hành vi vi phạm nêu trên là các hành vi trốn thuế, nợ thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế, gây hậu quả tiêu cực, làm thất thu NSNN, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và gây hậu quả trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chân chính, hợp pháp có giao dịch mua bán với doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh này.
Trên cơ sở dữ liệu, thông tin của ngành Thuế đã được đối chiếu, xác thực với dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06/CP, cùng sự hỗ trợ của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan Công an và các cơ quan liên quan, đến nay cơ quan thuế về cơ bản đã xác định đầy đủ danh tính, cùng các thông tin liên quan về chủ, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân đại diện cho hộ kinh doanh chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với số tiền thuế trốn, số tiền thuế nợ và các hành vi vi phạm nêu trên.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngành Thuế đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm, như: (i) đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… theo quy định; (ii) đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, cá nhân kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh còn nợ thuế; (iii) đặc biệt phối hợp với cơ quan Công an điều tra, khởi tố nhiều hồ sơ, vụ án vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Nhiều đối tượng lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm trục lợi NSNN đã bị khởi tố, xét xử, tuyên án.
Cơ quan Thuế nhấn mạnh, trên nguyên tắc “Người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm”, các cá nhân là chủ doanh nghiệp, người đại diện của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực MST, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đã xuất hóa đơn sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng chưa khai thuế, khai thiếu thuế, còn nợ thuế hãy khẩn trương liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để hoàn thành các nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với NSNN.
Việc thực hiện các nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nêu trên là cơ sở để NNT khắc phục, hoàn thành nghĩa vụ với NSNN, tránh khỏi các nguy cơ, rủi ro về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu không nhận được sự hợp tác, Cơ quan Thuế cho biết, sẽ tiến hành công khai danh sách thông tin NNT theo quy định Luật Quản lý thuế; đồng thời củng cố, hoàn tất hồ sơ để chuyển đề nghị cơ quan Công an điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.