Hiện tượng tắc nghẽn diễn ra tại các cảng, điển hình là tại cảng Cát Lái trong thời gian cao điểm hoặc sau các kỳ nghỉ lễ dài đã tạo ra những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp về chi phí và thời gian.
Theo kết quả khảo sát năm 2018 của EuroCham đã chỉ ra rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm nhiều tới vấn đề an toàn khi sử dụng các hệ thống cơ sở hạ tầng Việt Nam cũng như năng lực khai thác còn hạn chế của các hệ thống này, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn hoặc kéo dài thời gian di chuyển.
Theo EuroCham, trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các vấn đề nhũng nhiễu, các khoản chi phí không chính thức đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên, vấn đề cơ sở hạ tầng vẫn là khía cạnh mà các doanh nghiệp quan tâm.
Về chất lượng dịch vụ của hệ thống cơ sở hạ tầng, kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các cơ sở hạ tầng ở Việt Nam từ đường bộ đến đường sắt, đường hàng không đến đường thuỷ vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp.
Ví dụ như đối với đường bộ, mặc dù nhiều tuyến đường cao tốc mới đang được xây dựng thông qua các dự án hợp tác công tư, những vấn đề liên quan đến chất lượng, cách vận hành cũng như phương thức quản lý ví dụ như hệ thống thu phí đã dẫn đến việc các tuyến đường cao tốc này chưa được tối đa hoá hiệu quả sử dụng và chưa thực sự giảm bớt các vấn đề tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường phụ, thay thế. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa để xử lý vấn đề quan trọng này.
Đối với đường thuỷ, các cảng và điểm thông quan nội địa tại Việt Nam, đặc biệt là miền Nam nhìn chung đã đáp ứng nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tượng tắc nghẽn diễn ra tại các cảng, điển hình là tại cảng Cát Lái trong thời gian cao điểm hoặc sau các kỳ nghỉ lễ dài đã tạo ra những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp về chi phí và thời gian.
Đối với đường sắt, cách thiết kế hệ thống cũng như mạng lưới phân bổ là những vấn đề cần được cải thiện. Hiện nay, hệ thống đường sắt không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về tốc độ, chất lượng, dịch vụ…. Trên thực tế, đường sắt phải là một trong những phương tiện giao thông hiệu quả và được sử dụng nhiều nhất. Được biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án nhằm nâng cấp đường sắt và cầu đường sắt tại Việt Nam.
Đối với đường hàng không, mặc dù Việt Nam đã có tổng cộng 21 sân bay nhưng chỉ có 4 sân bay có ga hàng hoá riêng biệt. Việc thiếu các trung tâm dịch vụ hậu cần tại chỗ hoặc gần các sân bay cũng khiến Việt Nam chưa thể tận dụng tối đa lợi thế của vận tải hàng hoá.
Đối với cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, việc triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã có những bước thành công ban đầu. Hệ thống này đã góp phần quan trọng cho quá trình thông quan với việc rút ngắn thời gian, đơn giản hoá thủ tục giấy tờ và giảm thiểu rủi ro về nhũng nhiễu, chi phí không chính thức – những điều mà theo EuroCham là vẫn xảy ra khi doanh nghiệp làm việc trực tiếp với nhân viên hải quan.
Có thể bạn quan tâm
04:49, 26/02/2019
03:08, 15/02/2019
05:53, 09/02/2019
07:00, 23/01/2019
04:30, 05/01/2019
Tuy nhiên, EuroCham cho rằng, vẫn có sự chậm trễ từ phía một số cơ quan quản lý trong quá trình kết nối các thủ tục chuyên ngành của họ với Cơ chế Một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Những chậm trễ này đã tạo ra những tác động tiêu cực đối với mục tiêu cuối cùng của Chính phủ là cải cách quy trình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá và hải quan xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong giai đoạn 2018-2020.
"Việt Nam có tiềm năng lớn cùng một vị trí lý tưởng để tận dụng vốn đầu tư và cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng. Những thuận lợi này có thể thúc đẩy mạnh mẽ vị thế của việt Nam trong top đầu các quốc gia có năng lực cạnh tranh trong khu vực. Việc xác định vị thế của Việt Nam là một trung tâm vận tải mới của ASEAN là hoàn toàn phù hợp với các định hướng chính sách kinh tế xã hội của Chính phủ" - EuroCham khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Nicolas Audier - Đồng chủ tịch EuroCham: "Việt Nam hiện nay, mức độ ưu tiên cho việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được cao như kỳ vọng. Điều này dẫn đến việc ngành vận tải và hậu cần chưa có cơ hội phát huy hiệu quả năng lực, đồng thời khiến chi phí vận tải hậu cần gia tăng tương đối cao". Theo đó, nếu các dự án mới thiếu đi sự đồng nhất và khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải khác nhau thì hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn sẽ không được tối ưu hoá.
Vai trò quản lý và giám sát của Chính phủ là rất quan trọng đặc biệt là việc quản lý chất lượng của các dự án xây dựng phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để đảm bảo nguồn lực tài chính được phân bổ hiệu quả và đạt hiệu suất cao.
Nếu các vấn đề trên được giải quyết triệt để Việt Nam sẽ đạt được vị thế quan trọng của mình trong khu vực ASEAN về vận tải, quản lý hậu cần và các lĩnh vực khác.