Sau gần 2 tháng, Nghệ An đã ban hành Quyết định dừng thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 để chuyển sang trạng thái áp dụng Chỉ thị 19, cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại từ 0h ngày 19/7.
Tuy nhiên, việc yêu cầu các nhà hàng, khách sạn… phải xét nghiệm PCR đối với tất cả các nhân viên, người quản lý của cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Vinh 01 lần/tuần/người đang khiến gánh nặng chi phí lại càng thêm khó khăn hơn.
Bắt buộc xét nghiệm PCR/người/tuần
Kể từ khi phát hiện 01 ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng ở phường Hà Huy Tập, Tp Vinh vào ngày 13/6, tỉnh Nghệ An đã thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Do sự lây lan nhanh, các nguồn lây COVID -19 có nhiều diễn biến phực tạp nên Nghệ An cũng đã ban hành Chỉ thị 16 để cách ly xã hội toàn bộ Tp Vinh từ 0h ngày 19/6. Và, đến ngày 0h ngày 03/7, Tp Vinh chuyển trạng thái thực hiện từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các hoạt động kinh doanh, ăn uống, nhà hàng, khách sạn…và ngành nghề không thiết yếu được yêu cầu tạm dừng để tập trung tốt cho công tác chống dịch COVID -19.
Để tham gia chống dịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Tp Vinh đã tự nguyện đóng cửa từ thời điểm Nghệ An áp dụng Chỉ thị 16, Chỉ thị 15.
Đến 0h ngày 19/7, các cơ sở dịch vụ nói trên mới được phép hoạt động trở lại nhưng đã gặp phải khó khăn khi tỉnh Nghệ An yêu cầu phải thực hiện xét nghiệm COVID -19 đối với tất cả các đối tượng là nhân viên phục vụ, quản lý…của nhà hàng, khách sạn bằng kỹ thuật PCR.
Đây là một trong những quy định để phòng, chống COVID -19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và Tp Vinh nói riêng nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay (20/7), sau hơn 01 ngày Tp Vinh được phép cho các dịch vụ ăn uống, nhà hàng…hoạt động trở lại nhưng nhiều chủ cơ sở vẫn không dám mở cửa vì lo sợ gánh nặng chi phí sẽ đè nặng và càng thêm khó khăn hơn.
Bởi yêu cầu phải xét nghiệm PCR 1 người/lần/tuần là nhân viên phục vụ và người có liên quan tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ mà Tp Vinh đưa thì sẽ gây tốn kém, phát sinh nhiều chi phí trong bối cảnh hiện nay.
“Với 10 người như nhà hàng chúng tôi 1 tháng phải 04 lần xét nghiệm COVID-19 bằng PCR thì tiêu tốn gần 40 triệu đồng chi phí. Mà yêu cầu phải xét nghiệm cho tất cả như vậy thì việc kinh doanh như cơ sở chúng tôi sẽ càng thêm khó khăn do gánh nặng chi phí.
Trong khi gần 02 tháng qua, chúng tôi đã thiệt hại rất lớn do ngừng hoạt động, bây giờ mà yêu cầu như vậy thì chúng tôi không thể biết sẽ phải xoay xở như thế nào nữa” – đại diện một chủ nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Tp Vinh cho biết.
Nghệ An có làm khó cơ sở kinh doanh dịch vụ?
Theo đại diện các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Tp Vinh thì trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 hiện nay, việc áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa, chống lây lan dịch là điều cần thiết.
Vì vậy, chống dịch COVID -19 là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó có các cơ sở nói trên để đảm bảo an toàn cho cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Mặt khác, việc phát hiện, khoanh vùng dập dịch hiệu quả sẽ góp phần duy trì sự phát triển kinh tế xã hội.
Vậy nhưng theo đại diện các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ thì việc yêu cầu xét nghiệm COVID -19 bằng kỹ thuật PCR mỗi người/tuần là không cần thiết bởi như vậy vừa gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa lãng phí tiền bạc, thời gian…
Bởi thủ tục để xét nghiệm PCR hiện nay rất tốn kém, mỗi lần thực hiện cũng phải tiêu tốn gần 1 triệu đồng/người/tuần.
Trong khi đó, việc thực hiện Chỉ thị 19 cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì các chủ đơn vị đã phải nghiêm túc triển khai các biện pháp chống dịch COVID -19 theo yêu cầu như: Bố trí chỗ ngồi cho khách ăn, uống đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 1,5m;
Trang bị cho nhân viên đo thân nhiệt khách đến; Bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư y tế để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm an toàn giãn cách khi tiếp xúc; Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi; Hoạt động không quá 22h hàng ngày.
Trước vấn đề này, đại diện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Tp Vinh cho rằng, họ vẫn nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19 theo chủ trương chung của Nhà nước nhưng cũng không nhất thiết phải xét nghiệm cho từng người/tuần bằng kỹ thuật PCR.
Cụ thể, cơ quan chức năng nên yêu cầu xét nghiệm PCR để phát hiện COVID-19 cho đại diện chủ cơ sở hoặc 01 nhân viên thường xuyên tiếp xúc, phục vụ tại cơ sở dịch vụ, kinh doanh ăn, uống… Vì biện pháp cử đại diện 01 người trong gia đình hoặc nhóm người để sàng lọc, phát hiện COVID-19 cũng đã được tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện trước đó khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai ở địa bàn Tp Vinh.
Giải pháp này cũng đã được cộng đồng dân cư ở Tp Vinh ủng hộ, nghiêm túc thực hiện vì cử đại diện 01 người xét nghiệm COVID -19 đã không gây phiền hà, mất thời gian cho nhân dân.
Mặt khác, nếu chỉ 01 tuần mà yêu cầu nhân viên, người trực tiếp quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ đi xét nghiệm PCR thì quãng thời gian này cũng đã quá lâu, quá phức tạp.
Chính vì vậy, nên chăng cơ quan có thẩm quyền ở Tp Vinh, tỉnh Nghệ An cần xem xét, nghiên cứu bố trí lại giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ đã cho phép hoạt động trở lại theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ một cách linh hoạt, tránh gây khó khăn, phiền hà trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Không được chủ quan, lờ là trong công tác phòng chống dịch COVID -19 nhưng cũng đừng gây khó khăn cho hoạt động nói trên vì quá tốn kém tiền bạc và hiệu quả chẳng cao trong tình hình hiện nay.
Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ
Có thể bạn quan tâm
Chống dịch COVID-19: Đừng ôm đồm mớ rau, con cá!
08:43, 20/07/2021
Kiều bào hiến kế cho startup thời dịch
05:15, 20/07/2021
NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT: Người Hà Tĩnh mang “quà quê” ủng hộ miền Nam chống dịch
03:35, 19/07/2021
Nghệ An “hỏa tốc” phân loại các trường hợp tiếp xúc gần với COVID-19
22:23, 07/07/2021