Ông Vũ Dương Hiền - Chủ tịch HĐQT Công ty Hapaco kể cho DĐDN câu chuyện cố Tổng Bí thư Đỗ Mười khi còn làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã “giải cứu” Công ty Giấy Hải Phòng như thế nào.
Giữa lúc sản xuất giấy bìa đình đốn, Công ty Giấy Hải Phòng lúc đó, nay là Công ty cổ phần tập đoàn Hapaco xin UBND thành phố Hải Phòng cho chuyển đổi sang sản xuất giấy vàng mã (giấy đế) xuất khẩu đi Đài Loan.
Được UBND TP Hải Phòng đồng ý, đầu tháng 9 năm 1990, Công ty nhập khẩu từ Đài Loan về dây chuyền sản xuất giấy vàng mã từ nguyên liệu tre nứa. Thế nhưng, thiết bị về đến cảng Hải Phòng, cơ quan công an Hải Phòng không đồng ý cho doanh nghiệp nhận hàng. Lý do rất đơn giản: Vàng mã là sản phẩm mê tín dị đoan nên không thể sản xuất!?
Mặc dù đây là dự án đã được Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đào An thông qua, Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là bộ Công Thương) đã ký L/C cho Công ty giấy Hải Phòng nhập khẩu dây chuyền thiết bị này, nhưng Công an Hải Phòng vẫn không đồng ý. Ông Vũ Dương Hiền nhớ như in, trung tá công an tên Xưa, người thụ lý vụ việc này, là một người sắt đá, doanh nghiệp ông và nhiều cán bộ ban ngành khác không ai thuyết phục được ông Xưa.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 07/10/2018
09:22, 06/10/2018
04:30, 06/10/2018
20:05, 05/10/2018
16:02, 02/10/2018
16:01, 02/10/2018
10:35, 02/10/2018
10:28, 02/10/2018
08:30, 02/10/2018
Sự việc cứ thế kéo dài suốt 3 tháng. Ngày 7/12/1990, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Quế Lượng (người sau này làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã ký công văn kính chuyển Bộ Thương mại giải quyết vụ việc. Lên Bộ Thương mại, lúc bấy giờ Thứ trưởng là người ký giấy phép cho doanh nghiệp mở L/C nhập khẩu dây chuyền sản xuất giấy vàng mã thì đã đi làm Đại sứ ở EU. Bộ trưởng Hoàng Minh Thắng cũng không dám giải quyết.
Không còn đường nào khác, ông Hiền quyết định sang gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười tai số 11 Phạm Đình Hổ. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nghe ông Hiền báo cáo xong bèn nói: “Đất nước mình không có ngoại tệ, người ta xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước sao lại cấm!?”. Rồi ông Đỗ Mười quay sang hỏi ông Hiền: “Anh có cái giấy gì không?”. Ông Hiền nói: “Cháu chỉ có cái văn bản của UBND TP Hải Phòng gửi Bộ Thương mại đây ạ”.
Ông Hiền nhớ như in, cụ Đỗ Mười cầm tờ giấy đọc. Lúc ấy cụ không đeo kính gì cả, lấy bút ghi ngay vào góc công văn của UBND TP Hải Phòng: “Đồng ý cho nhập dây chuyền sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu sang Đài Loan”.
Ông Hiền lập tức đem công văn có bút phê của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười quay ngược trở lại Bộ Thương mại. Bộ trưởng Hoàng Minh Thắng nhìn thấy chữ ký của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thì lập tức ghi tiếp vào đó: “Chuyển Vụ Xuất nhập khẩu thực hiện theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười”.
Ngay ngày hôm sau Công ty giấy Hải Phòng ra Cảng Hải Phòng đem 2 container chứa dây chuyền sản xuất giấy vàng mã về lắp đặt.
Khi tôi hỏi: “Ông gặp cụ Đỗ Mười có khó không?”, ông Hiền bảo “Không hề khó”. Ông Hiền kể: Hôm đó là ngày mùng 7/12/1990, Quốc hội vừa họp xong ngày mùng 5. Xe ô tô Lada của ông Hiền đợi ở ngoài cổng, chờ có 3 chiếc xe Vonga đi vào, ông Hiền liền bảo lái xe tìm cách ghép vào giữa 3 xe đó rồi qua cổng. Chắc bảo vệ nghĩ đây là xe Bí thư hay Chủ tịch thành phố Hải Phòng cùng vào nên không ngăn lại. (Thời điểm đó Bộ trưởng trở lên mới được đi xe Vonga, Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi xe Lada). Vào đến nơi may mắn nhìn thấy cụ Đỗ Mười đang ngồi phòng ngoài. Ông Hiền xin phép gặp và trình bày luôn.
Công ty Giấy Hải Phòng từ đó được hồi sinh. Từ 1 dây chuyền đầu tiên, Công ty phát triển lên đến gần chục nhà máy với mấy chục dây chuyền, làm ăn thịnh vượng không những chỉ ở Hải Phòng mà ra các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La. Từ một doanh nghiệp giấy nhỏ đến nay, Hapaco là một tập đoàn kinh tế đa ngành lớn mạnh ở Hải Phòng.
Do ngành sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu không bị hạn chế nên từ một Công ty Hapaco đi tiên phong đến nay, cả nước đã có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất giấy vàng mã. Riêng Hải Phòng có gần 10 doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa có 10 công ty sản xuất giấy vàng mã. Ngành sản xuất giấy đế hiện nay phát triển mạnh nhất tại miền Trung, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh miền Trung.
Thị trường xuất khẩu từ Đài Loan những năm gần đây được mở rộng sang Trung Quốc. Tổng sản lượng toàn miền Bắc ước đạt 150 nghìn tấn/năm, tương đương 7.500 container. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 100 triệu USD/năm. Ngành giấy đế tạo công ăn việc làm cho 900 nghìn lao động trực tiếp và người trồng tre nứa nguyên liệu.