Nhiều doanh nghiệp viên nén gỗ Tây Nguyên đã dừng hẳn sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng để xuất bán hàng tồn kho.
>>Tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh Tây Nguyên
Áp lực thị trường, cùng dòng vốn xoay vòng đã đè nặng lên nhiều doanh nghiệp, khiến nguy cơ giải thể hiện hữu từng ngày.
Cách đây 6 tháng, hoạt động của nhà máy viên nén gỗ Phúc Khoa tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông còn nhộn nhịp, tấp nập xe ra vào. Nhưng ở thời điểm này, hàng tồn kho đến mấy ngàn tấn, buộc doanh nghiệp phải giảm số lượng lao động để chờ đợi tín hiệu của thị trường.
Ông Nguyễn Phúc Dũng – Quản lý Nhà máy gỗ viên nén Phúc Khoa, cho biết: “Từ Tết nguyên đán Quý Mão đến giờ, chúng tôi mới xuất được có hơn 300 tấn. Thị trường xuất khẩu của chúng tôi chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong quý I/2023, lượng viên nén gỗ được xuất khẩu rất ít, do các thị trường này đã tích trữ nhiều trong năm 2022. Hơn nữa, giá viên nén cũng đi xuống nên chúng tôi chấp nhận cầm chừng sản xuất để chờ tín hiệu mới từ thị trường.”
Công ty TNHH thương mại Tâm Phúc Gia sở hữu một nhà máy chế biến viên nén gỗ ở Gia Lai và một nhà máy ở Kon Tum cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Với công suất khoảng 20.000 tấn/tháng, hàng sản xuất được đưa xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định) “lưu kho”, chờ đơn hàng mới. Bên cạnh đó, Công ty cũng phải chịu áp lực giảm giá.
Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH thương mại Tâm Phúc Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ: “Theo tôi, đến đầu tháng 7 hoặc tháng 8/2023 mới có đơn hàng trở lại. Ngành viên nén gỗ hiện nay chủ yếu sản xuất xong rồi lưu kho. Nếu không sản xuất, công nhân bỏ đi tới lúc sản xuất trở lại, thì phải quay vào đào tạo lao động từ đầu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cứ duy trì sản xuất để giữ công nhân thì lại rơi vào thế khó. Công ty đang nỗ lực tìm thị trường mới”.
Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam vừa đưa ra dự báo tình hình sản xuất và thị trường đầu ra năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố tác động khiến mặt hàng viên gỗ nén.
Hiện Việt Nam là quốc gia cung ứng viên gỗ nén lớn thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ). Trong năm 2023, Mỹ và Canada đang có lượng cung viên gỗ nén mạnh trở lại vào thị trường EU sau một thời gian khan hiếm nguồn cung do chiến sự Nga - Ukraine và do cước vận chuyển hàng hải tăng cao.
Trước đó, nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này tại khu vực Bắc Mỹ phải chuyển hướng nguồn cung của mình từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sang cung cấp cho EU, nhằm tận dụng khoảng trống về nhiên liệu sưởi ấm cho mùa đông ở châu Âu.
Điều này bắt buộc các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc phải tìm nguồn cung thay thế. Hiện nay, hai thị trường quan trọng ở Đông Bắc Á đã bão hòa. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu viên gỗ nén của Việt Nam sẽ khó có cơ hội mở rộng thị trường tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2023, buộc phải đi tìm hướng xuất khẩu mới.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tuấn cho hay: “Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ, mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến lâm sản gỗ cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Hiện nay, các doanh nghiệp không xuất khẩu được, nên nhiều nhà máy đóng cửa. Chúng tôi cũng đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng họ vẫn phải chủ động tìm thị trường mới trong lúc khó khăn này.”
Không chỉ khó khăn như vậy, theo thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa gửi công văn đến các đối tác cung cấp viên nén gỗ yêu cầu tạp chất (độ tro) dưới 2%. Điều này gây khó khăn cho lượng hàng tồn đọng của các doanh nghiệp viên nén gỗ ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Bởi nhiều dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu khó đáp ứng tiêu chuẩn này.
Yêu cầu cao của thị trường thế giới, lượng hàng tồn kho nhiều khó tiêu thụ, khó tiếp cận nguồn vốn vay… đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp ngành viên nén gỗ ở Tây Nguyên có nguy cơ phá sản. Rất mong các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua “cơn bĩ cực” hiện nay.
Có thể bạn quan tâm