Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam vẫn còn dư địa và cần có thêm nguồn lực để đưa vào chương trình phục hồi kinh tế tới đây...
>>Việt Nam có thể nâng quy mô gói hỗ trợ lên 5-7% GDP
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình phục hồi phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 bao gồm bốn chương trình thành phần, đó là: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ giải ngân của từng chương trình thành phần nghiệp vụ chi cụ thể.
Dư địa chính sách còn lớn
Về chương trình kích thích kinh tế phục hồi, TS. Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu dùng “gói kích thích kinh tế” thì chưa đủ, vì Chính phủ và Quốc hội vẫn đang họp bàn, để có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, song song với đó là có cả chiến lược phòng chống dịch mới và hai vấn đề này phải đan xen, kết hợp với nhau. Theo vị chuyên gia, trong chương trình này, sẽ có nhiều gói như gói tài khóa, gói tiền tệ, gói hỗ trợ doanh nghiệp, gói hỗ trợ người dân.
“Về tiêu chí của chương trình, chúng tôi đã đề xuất phải có bốn tiêu chí quan trọng đó là:Thứ nhất, phải đủ lớn, đủ liều lượng và đủ dài, mà tạm thời chốt lại khoảng hai năm.
Thứ hai, phải đúng và trúng đối tượng, chứ không thể dàn trải, vì trong dịch bệnh thìđây là cú sốc kinh tế ngắn hạn và nó khiến cho kinh tế phục hồi theo hình chữ K, nghĩa là có những lĩnh vực làm ăn rất tốt như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, chứng khoán, sắp thép,... nhưng có những ngành đi xuống vô cùng khó khăn như vận tải, du lịch, khách sạn, bán lẻ, lưu trú ăn uống,... Cho nên không thể đại trà,ai cũng giống ai, mà phải có trọng tâm, trọng điểm và có sự lựa chọn.
Thứ ba, phải phù hợp với năng lực của ngân sách nhà nước, đây là tiêu chí vô cùng quan trọng.
Thứ tư, là phải phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.
Vị chuyên gia cũng giải thích về quy mô gói kích thích kinh tế lớn hay nhỏ sẽ rất vô cùng, vì còn phụ thuộc vào ba điều kiện đó là: mức độ tác động của dịch bệnh khác nhau; thời gian vừa qua chúng ta đã và đang phòng chống dịch như thế nào, đến nay nguồn lực còn đến đâu; và cuối cùng là khả năng hấp thụ.
Khi so sánh tương quan quốc tế, các chuyên gia chỉ ra rằng, tính đến hết quý 3/2021, thì các nước trên thế giới đã tung ra các gói hỗ trợ từ tài khóa đến tiền tệ đâu đó khoảng 16,4% GDP tính bình quân toàn cầu, mà Mỹ là cao nhất khoảng 28% GDP. Trong đó, gói hỗ trợ tài khóa khoảng 10,2% và gói hỗ trợ tiền tệ 6,2%.
“Nhưng kể cả gói hỗ trợ tiền tệ thì cũng lấy từ tiền ngân sách là chủ yếu, vì gói hỗ trợ tiền tệ chung thường bao gồm ba cấu phần, một là bảo lãnh tín dụng,do chính phủ các nước và một số Quỹ đứng ra bảo lãnh, hai là hỗ trợ lãi suất cũng phải lấy tiền từ ngân sách và ba là liên quan đến tăng cường một số chương trình tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Về tài khóa, họ đầu tư rất nhiều vào hai thứ trong đó ưu tiên nhất là y tế, các nước đã dành ra 12,7% trong tổng lượng gói hỗ trợ tài khóa để đầu tư vào y tế và sản xuất, nghiên cứu vaccine.Còn lại họ dành ra một lượng tiền khá lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bởi vì đó là thứ dễ làm, mà lúc nào cũng cần”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Theo các số liệu cho thấy, đối với các nước tương đồng với Việt Nam, những quốc gia này cũng bỏ ra khoảng 7,7% GDP, trong đó gói tài khóa chiếm khoảng 4,4%, còn gói tiền tệ khoảng 3,3%. Riêng Việt Nam, từ năm ngoái đến nay, gói tài khóa chiếm khoảng 3% GDP và gói tiền tệ bao gồm có cả hỗ trợ của ngành ngân hàng cho giảm lãi suất, giảm phí, cơ cấu lại nợ, không tính tiền phạt,... thì tổng khoảng 84.000 tỷ đồng tương đương 1,05% GDP. Như vậy, tính tổng lại, Việt Nam đã tung ra nền kinh tế khoảng 4% GDP và con số này không quá nhỏ, nhưng so với các nước tương đồng thì vẫn còn khiêm tốn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa và cần có thêm nguồn lực để đưa vào chương trình phục hồi kinh tế tới đây, còn cụ thể chi tiết chương trình đó như thế nào sẽ còn phải bàn tiếp.
>>Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài
Nới lỏng hàng rào chính sách
Bổ sung vào các luận điểm trên, TS. Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hiện nay nền kinh tế các nước đang phục hồi, nhưng Việt Nam lại có xu hướng đi xuống, để chứng tỏ làn sóng phục hồi của Việt Nam đang chậm hơn. Nếu không có giải pháp kinh tế trong giai đoạn này, thì có thể chúng ta sẽ bị lỡ nhịp.
Trong đó phải chú trọng một số điều như sau:
Một là, hiện nguồn lực của Việt Nam còn yếu hơn các nước rất nhiều. Ngoài việc tăng thêm các gói hỗ trợ từ ngân hàng, tài khóa, nhưng vấn đề vẫn là làm sao để tiêu thụ được các hỗ trợ đó trong khi cơ chế, quy định còn quá ngặt nghèo.
Hai là về y tế, có nhiều chuyên gia kinh tế hay những người đi công tác ở nước ngoài về và sắp tới bà con Việt Nam về ăn tết trước khi lên máy bay họ phải có hai mũi tiêm vaccine rồi, có xét nghiệm PCR và test nhanh nữa, thì độ an toàn của họ còn lớn hơn rất nhiều những người dân đang đi ngoài đường kia. Nhưng vẫn cứ áp dụng cách ly 7 ngày, cách ly tập trung, ảnh hưởng tới việc lưu thông, xúc tiến kinh tế.
“Đáng chú ý nữa là về vaccine, các nước châu Âu có dự trữ rất lớn, nhưng vì người dân không chịu tiêm nên cólượng thừa nhất định và sẵn sàng bán cho Việt Nam bằng giá họmua vào.Vì vậy,Bộ Y tế và nhóm ngoại giao vaccine cần hoạt động mạnh, tiếp xúc với các nước để có thể mua ngay vaccine trong thời gian tới”, ông Thân đề nghị,
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá rằng, các gói kích cầu là về tầm vĩ mô, nhưng phải xem xét thực tế ở thời điểm hiện tại. Hiện nay doanh nghiệp đang cạn kiệt, vì thế vừa qua Nghị quyết 68, hay Quyết định 23 và gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng của Quốc Hội ban hành được xem là những “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp và người dân.
“Tuy nhiên, một gói đó vẫn chưa thể đủ được, bởi vì chúng ta phải nhìn lại mấy chục năm các doanh nghiệp đóng tiền vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng quỹđó có công khai hay không và đến naykhi dịch bệnh xuất hiện không có trong tiền lệ,mà chỉ ban hành hỗ trợ doanh nghiệp được 8.000 tỷ trong gói 38.000 tỷ thì có là quá ít”, ông Hùng trăn trở.
Theo ông Hùng, muốn để thúc đẩy doanh nghiệp, Chính phủ vẫn cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ cho người lao động, kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, miễn tiền chậm nộp. Với bảo hiểm xã hội cũng vậy, đây chỉ cho doanh nghiệp tạm ngưng đóng, nhưng bản chất là doanh nghiệp vẫn nợ và khi hoạt động trở lại, thì phải đóng gộp sẽ càng nặng nề chi phí. Do đó, Chính phủ cần có chính sách cởi mở hơn trong lĩnh vực này để giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/12/2021
11:00, 06/12/2021
01:00, 06/12/2021
12:47, 05/12/2021