Cục hải quan Hà Nội vừa đưa hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động mới tại cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài vào hoạt động đã rút ngắn thời gian, giảm phiền nhiễu cho doanh nghiệp...
DĐDN đã phỏng vấn ông Trần Quốc Định - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội về vấn đề này.
- Thời gian thông quan trước khi áp dụng hệ thống mới là bao nhiêu, thưa ông?
Với hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cũ thời gian thông quan trung bình mất từ 30 - 60 phút. Trong khi, hệ thống mới cho phép là các doanh nghiệp kinh doanh cảng, các hãng hàng không, các cơ quan giao nhận vận tải gửi thông tin từ trước khi hàng về đến cảng. Việc kết nối thông tin giữa các cơ quan giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa xuống tối đa 3 – 6 phút.
Hiện đã có 175.766 tờ khai hải quan được quản lý, giám sát tự động trên hệ thống. Tính đến tháng 3, tỷ lệ tự động chiếm 76,77% tổng số tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại cảng HKQT Nội Bài.
- Vậy việc ứng dụng Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại cảng HKQT Nội Bài hiện nay có ảnh hưởng với việc phân luồng hàng hóa xanh - vàng - đỏ, thưa ông?
Khi doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan trên hệ thống VNACCS/VCIS được phân thành luồng xanh - vàng - đỏ. Đối với luồng xanh được thông quan trước khi hàng đến. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh cảng thông báo cho hải quan, hải quan sé gửi thông tin tờ khai này đã được thông quan với luồng xanh và lấy hàng luôn.
Còn với luồng vàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ lấy vận đơn đi kèm theo hàng và xuất trình với cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra hàng hóa, nếu được thông quan doanh nghiệp sẽ được nhận hàng hóa ngay khi có vận đơn.
Với luồng đỏ, doanh nghiệp được mang hàng ra địa điểm kiểm tra và kiểm tra xong sẽ được thông quan... Đây chính là điểm có nguy cơ xảy ra gian lận trên quãng đường di chuyển hàng hóa giữa hai địa điểm.
- Như vậy, lỗ hổng ở đây là hàng hóa tại luồng đỏ. Để tránh được việc gian lận thương mại hàng hóa qua luồng đỏ trong quá trình vận chuyển đến địa điểm kiểm tra. Ngành hải quan có những biện pháp gì, thưa ông?
Hiện nay theo quy đinh của hải quan thì hàng phải kiểm tra sẽ được bên giao và bên nhận bàn giao với nhau. Ngoài ra, Tổng cục hải quan xây dựng một đề án cho phép giám sát trực tuyến những hàng phải vận chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác sử dụng công nghệ khoá niêm phong bằng GPS. Theo đó doanh nghiệp phải khai báo thời điểm bắt đầu vận chuyển và thời điểm kết thúc vận chuyển, địa điểm từ nơi này đến nơi kia. Từ việc sử dụng công nghệ giám sát GPS, chúng tôi theo dõi được toàn bộ quãng đường hàng đi. Thực tế so với khai báo, bất kỳ có sự dừng đột xuất giữa đường cũng như phá niêm phong, hay quá thời hạn hệ thống sẽ cảnh báo và cán bộ hải quan kiểm soát tương ứng trên đường đó sẽ được thông báo để đến kiểm tra. Đối với những doanh nghiệp thường xuyên hay xảy ra cảnh báo mà không có lý do chính đáng sau khi kiểm tra sẽ được đặt vào diện vi phạm và không được phép vận chuyển hàng hoá từ nới này đến nơi kia.... Đề án này, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính và triển khai thí điểm tại Chi cục hải quan Bắc Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai chính thức.
- Xin cảm ơn ông!