Còn có nhiều ý kiến khác nhau trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62 tuổi; nữ từ 55 lên 60 tuổi trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mà Chính phủ trình Quốc hội.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, một số ĐB cho rằng, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần có lộ trình và phân loại đối tượng áp dụng phù hợp điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, việc kéo dài tuổi lao động cần xem xét kỹ lưỡng, thậm chí phải thí điểm việc tăng độ tuổi lao động có làm tăng tỷ lệ thất nghiệp hay không; có tăng tình trạng thiếu việc làm không hay tăng Quỹ bảo trợ thất nghiệp cho những người đang có công ăn việc làm không…
Theo ĐB Thái, chúng ta cần thiết kế như thế nào cho nó phù hợp nhất với số đông, nhất là với số đông của những người lao động, đặc biệt là công nhân - những người trực tiếp sản xuất, thứ hai là công tác tuyên truyền, “chúng ta làm thế nào và truyền thông như thế nào để cho bà con có thể chia sẻ được ở góc độ nhiều nhất, vì thực ra có những người trực tiếp lao động, thời gian đâu để tiếp cận với những thông tin trên báo chí, ti vi mà phải có công tác tuyên truyền để cho bà con tiếp cận, hiểu, chia sẻ và đi đến đồng thuận" – ĐB Thái nói.
Tương tự, một số ý kiến cho rằng, đối với giáo viên việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần đánh giá toàn diện trong mối quan hệ chung để đảm bảo lợi ích phát triển giáo dục.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, thực tế các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là quốc gia thiếu lao động trong khi chúng ta mỗi năm có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, lại đang trong thời kỳ giảm biên chế. Hơn nữa, tại Việt Nam chủ yếu là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp để làm việc khi đã lớn tuổi. Chủ lao động cũng không muốn sử dụng người lớn tuổi vào lao động trực tiếp, người lao động (NLĐ) cũng vậy nên nếu tăng tuổi hưu, năng suất lao động sẽ không cao. Ngược lại, người trẻ mà thiếu việc làm, hậu quả xã hội sẽ rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 28/05/2019
06:40, 25/05/2019
17:15, 24/05/2019
20:08, 04/05/2019
Ngoài ra, ĐB Hiểu cũng dẫn chứng với đặc thù công việc của giáo viên là thường xuyên giao tiếp, vấn đề đặt ra phải tạo được mối quan hệ tốt trong quan hệ giao tiếp với các phụ huynh, học sinh, tạo ấn tượng trong nhận thức của họ là những người thầy còn phù hợp với lứa tuổi với suy nghĩ của học sinh.
Do đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề nghị, cần xem xét về quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học.
Giáo viên ở những bậc học này, ngoài việc giảng dạy về văn hóa thì việc chăm sóc đòi hỏi cao về sức khỏe, nhất là những hoạt động để tạo nên trò chơi, hoạt động kỹ năng mềm đòi hỏi cô/thầy phải trẻ mới có thể có sức khỏe để vận động và chia sẻ với các em được, tôi nghĩ phải cân nhắc. Với giáo viên mầm non giữ nguyên độ tuổi như hiện nay là phù hợp.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan, (TP. HCM) cũng bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của giới trẻ. Theo bà Lan, việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ tác động đến Quỹ BHXH, vấn đề già hóa dân số cũng tác động không nhỏ tới cơ hội việc làm của giới trẻ. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì vô tình giữ lại một bộ phận yếu kém của bộ máy hành chính, trong khi nhiều sinh viên ra trường năng động, sáng tạo lại không có việc làm.
Trong khi đó, tại buổi thảo luận tổ về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi (chiều 29/5), ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lại cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì thực tế cho thấy với tuổi nghỉ hưu hiện tại (nam 60, nữ 55) vẫn có 42% NLĐ sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. Lương hưu của NLĐ hiện rất thấp, chỉ trên 3 triệu đồng, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để tiền lương hưu cao hơn. Việc tăng tuổi hưu cũng giúp Việt Nam có thể chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hóa dân số sắp diễn ra.
“Tại sao việc tăng tuổi nghỉ hưu về kinh nghiệm quốc tế, đạo lý, định hướng rất đúng mà lại có nhiều ý kiến phản đối? Tôi cho rằng là do cơ quan truyền thông và cơ quan soạn thảo chưa làm cho người dân hiểu được vấn đề này”, ông Lợi nói và cho biết, không phải ai cũng về hưu ở tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam như dự thảo. Tuổi hưu 60 đối với nữ và 62 đối với nam chỉ dành cho những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Nhóm những NLĐ trong lĩnh vực đặc biệt nặng nhọc, độc hại hay những ngành nghề suy giảm khả năng lao động cơ bản vẫn nghỉ hưu từ 55 đối với nữ và 60 đối với nam, thậm chí có thể nghỉ từ 50 tuổi. Nhóm những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có trình độ quản lý thì có thể kéo dài thêm thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.