Trong bối cảnh pháp lý ngày càng rõ ràng, stablecoin đang trở thành xu hướng toàn cầu khi được các tổ chức tài chính lớn và chính phủ hỗ trợ.
Cơn sốt stablecoin trở lại
Trong bối cảnh tiền điện tử đang từng bước vượt qua những rào cản pháp lý và giành được sự tin tưởng từ các tổ chức tài chính lớn, stablecoin - những đồng tiền mã hóa được neo giá vào các tài sản ổn định như đô la Mỹ đang chứng kiến làn sóng chấp nhận chưa từng có trên toàn cầu.
Với sự hỗ trợ ngày càng lớn từ các ngân hàng, tập đoàn công nghệ tài chính và chính phủ, stablecoin không còn là công cụ chỉ dành cho giới đầu tư tiền số mà đã bắt đầu len lỏi vào hệ sinh thái tài chính truyền thống. Tại Liên minh châu Âu, khung pháp lý mới về Thị trường Tài sản Tiền điện tử (MiCA) chính thức có hiệu lực, mang đến cho các nhà phát hành stablecoin những hướng dẫn rõ ràng để thâm nhập thị trường châu Âu.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, hai dự luật then chốt: Đạo luật STABLE và Đạo luật GENIUS đang trong quá trình được Quốc hội nước này xem xét nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của stablecoin. Những chuyển biến tích cực đó đã thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của năm sáng kiến stablecoin lớn, vốn được dự báo sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tiếp theo của tiền điện tử.
Thứ nhất, là Tether và chiến lược tái xuất thị trường Mỹ. Theo phân tích của Cointelegraph, Tether là stablecoin lớn nhất thế giới với mã USDT, đã từ lâu đóng vai trò là nguồn thanh khoản chính cho các giao dịch tiền điện tử trên nhiều sàn giao dịch lớn. Mặc dù từng vướng phải những tranh cãi liên quan đến minh bạch tài chính và các vấn đề chống rửa tiền, Tether đang có bước đi chiến lược nhằm quay trở lại thị trường Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 30/4, ông Paolo Ardoino, CEO Tether xác nhận công ty đang chuẩn bị cho việc ra mắt một đồng tiền ổn định mới tại Hoa Kỳ, tách biệt với phiên bản quốc tế. “Một đồng tiền ổn định trong nước sẽ khác với đồng tiền ổn định quốc tế”, ông nhấn mạnh, cho thấy nỗ lực của Tether trong việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý đặc thù của thị trường Mỹ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thể hiện quan điểm ủng hộ tiền điện tử, mở ra cơ hội tiếp cận mới cho các nhà phát hành stablecoin.
Thứ hai, đồng stablecoin USD1 gây nhiều tranh cãi. Không dừng lại ở các phát ngôn chính sách, gia đình Tổng thống Donald Trump đã có động thái thực tế trên thị trường stablecoin với sự ra mắt của USD1 – đồng stablecoin được hỗ trợ bằng đô la Mỹ vào đầu tháng 3 năm nay. Dự án được triển khai bởi World Liberty Financial (WLFI) và phát hành trên hai mạng BNB Chain và Ethereum.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, USD1 hiện có vốn hóa thị trường vượt 2 tỷ USD, cho thấy sức hút không nhỏ từ thương hiệu chính trị của ông Trump. Tuy nhiên, chính điều này cũng làm dấy lên lo ngại trong giới lập pháp, cụ thể là ảnh hưởng chính trị có thể tác động đến chính sách stablecoin trong tương lai.
Thứ ba, là Avit – stablecoin do ngân hàng phát hành đầu tiên tại Mỹ. Một trong những bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của stablecoin là việc các ngân hàng truyền thống bắt đầu phát hành loại tài sản này. Vào ngày 25/3, Custodia Bank - một ngân hàng thân thiện với tiền điện tử đã hợp tác cùng Vantage Bank có trụ sở tại Texas để phát hành Avit, đồng stablecoin dựa trên đô la Mỹ trên nền tảng blockchain Ethereum dưới định dạng token chuẩn ERC-20.
CEO Custodia, bà Caitlin Long chia sẻ Avit được gọi là một “đồng đô la thực sự” vì nó đại diện cho các khoản tiền gửi theo yêu cầu, giống như tiền trong tài khoản có thể rút bất kỳ lúc nào. Sự xuất hiện của Avit tại Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu đánh dấu một cột mốc quan trọng khi ngân hàng truyền thống chính thức tham gia thị trường stablecoin, mang lại tính hợp pháp và độ tin cậy cao hơn cho loại tài sản kỹ thuật số này.
Thứ tư, Stripe và bước tiến nghiêm túc với stablecoin. Từ phía các nền tảng thanh toán công nghệ, Stripe công ty xử lý thanh toán hàng đầu thế giới đã tuyên bố thử nghiệm sản phẩm stablecoin mới dựa trên đô la Mỹ vào ngày 28/4. Sáng kiến này đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Stripe với lĩnh vực tiền điện tử sau thất bại ban đầu trong việc hỗ trợ Bitcoin vào năm 2014.
Đáng chú ý, bước đi này của Stripe được thúc đẩy từ thương vụ trị giá 1 tỷ USD mua lại Bridge – một mạng lưới thanh toán stablecoin được sáng lập bởi hai cựu lãnh đạo của Coinbase. Bridge cạnh tranh trực tiếp với mạng lưới thanh toán truyền thống SWIFT, mang lại lợi thế về tốc độ và chi phí. Stripe hiện đã mở hỗ trợ USDC tại 70 quốc gia kể từ tháng 10/2024 và với động thái mới, họ đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái thanh toán phi tập trung cho toàn cầu.
Thứ năm, UAE gia nhập cuộc đua stablecoin với đồng Dirham số hóa. Tại Trung Đông, Abu Dhabi – trung tâm tài chính hàng đầu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang bắt đầu hành trình số hóa đồng tiền nội tệ của mình. Ngày 28/4, International Holding Company, Abu Dhabi Developmental Holding và First Abu Dhabi Bank (FAB) đã công bố việc phát hành một đồng stablecoin được hỗ trợ bằng đồng Dirham.
Theo tờ The National, đồng stablecoin này sẽ được phát hành trên mạng lưới ADI, một dự án phi lợi nhuận của Sirius International Holding. Với vốn hóa thị trường của Sirius lên tới 243 tỷ USD, dự án stablecoin này được kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm tài chính, thương mại và mậu dịch, mở rộng ảnh hưởng của đồng Dirham trong nền kinh tế số khu vực và toàn cầu.
Tăng tốc hội nhập vào tài chính toàn cầu
Trên thị trường, không chỉ dừng lại ở các tổ chức tài chính hay công nghệ, hàng loạt tập đoàn thanh toán toàn cầu cũng đang tăng tốc hỗ trợ stablecoin. Ngày 28/4, Mastercard tuyên bố hợp tác cùng sàn giao dịch OKX để phát hành thẻ thanh toán stablecoin, cho phép người dùng chi tiêu tiền mã hóa như tiền mặt truyền thống.
Chỉ hai ngày sau, Visa cũng công bố hợp tác với Stripe và Bridge nhằm tích hợp thanh toán stablecoin vào hệ thống của mình tại các thị trường Mỹ Latinh bao gồm Argentina, Colombia, Ecuador, Mexico, Peru và Chile. Trong khi đó, tại châu Á, SBI VC Trade - công ty con về tiền điện tử của tập đoàn tài chính SBI Nhật Bản đang chờ phê duyệt cuối cùng để bổ sung hỗ trợ USDC, trở thành một trong những nền tảng đầu tiên tại Nhật giao dịch bằng stablecoin này.
Sự gia tăng hỗ trợ từ các tập đoàn tài chính lớn cho thấy stablecoin không còn nằm ngoài lề hệ thống mà đang dần hòa nhập vào dòng chảy chính thống của tài chính toàn cầu. Như nhận định từ giới chuyên gia, các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trên toàn thế giới đang dần làm quen với stablecoin, mở đường cho những bước tiến xa hơn.
Như vậy, làn sóng phát triển stablecoin đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, định hình lại cấu trúc tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Với việc các khung pháp lý quốc tế dần hoàn thiện và sự ủng hộ từ cả khu vực công lẫn tư, stablecoin không chỉ còn là một phương tiện trao đổi trong thế giới tiền điện tử mà đang trở thành cầu nối giữa hệ thống tài chính truyền thống và nền kinh tế phi tập trung.
Khi các sáng kiến mới tiếp tục được tung ra, việc áp dụng sẽ tăng tốc trong bối cảnh các công ty tiếp cận được thị trường tài chính lớn với các hướng dẫn rõ ràng. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định cơn sốt stablecoin đang thật sự bắt đầu và dường như không còn đường lùi.