Tối 25/11 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã long trọng tổ chức Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (THQG) đã được Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý, thực hiện với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về sản phẩm hàng hóa, đa dạng, phong phú về dịch vụ, tăng cường sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 25/11/2003, Chương trình chính thức được triển khai trên quy mô toàn quốc. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ gắn với 3 giá trị: “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định, qua 17 năm, chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua 3 tiêu chí: Chất lượng; Đổi mới sáng tạo và Năng lực tiên phong.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trải qua 17 năm, Chương trình đã gặt hái được rất nhiều thành tựu nổi bật.
Thứ nhất, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia (THQG) đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới.
Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG kỳ này, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động.
Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta, đa số các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia đều triển khai các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng.
Chương trình rất tự hào đã truyền cho các doanh nghiệp động lực phát triển tích cực và mục tiêu phấn đấu chân chính vì niềm tự hào đại diện cho THQG Việt Nam.
Thứ hai, các hoạt động hỗ trợ và tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG được triển khai có hiệu quả, góp phần tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Bộ Công Thương đang và sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia gắn liền với các hoạt động ngoại giao, văn hóa và du lịch, đặc biệt tập trung tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực…
Thứ ba, hoạt động xét chọn THQG năm 2020 được tổ chức triển khai khoa học, khách quan, nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 được triển khai với nhiều điểm mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn. 2020 là năm đầu tiên Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22/11/2019 của Bộ Công Thương.
Việc đổi mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn nghiêm ngặt của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, kết hợp cùng với những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.
“Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Hội đồng THQG đã công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020. Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí THQG Việt Nam và là những nghiệp tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng THQG nhấn mạnh.
Thông tin thêm về những điểm nổi bật của Chương trình năm 2020, Chủ Hội đồng THQG Việt Nam còn cho biết, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia lần thứ 7 năm 2020 vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Điểm nhấn của Chương trình năm 2020 đó là số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018 (97 doanh nghiệp).
Số lượng các doanh nghiệp mới tham gia Chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng mạnh với 39 doanh nghiệp, chiếm 31,4% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, kết quả năm nay tiếp tục ghi nhận con số đáng tự hào, đó là 17 doanh nghiệp đã có 7 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.
"Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa”, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng THQG tái khẳng định.
Tham dự và phát biểu tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp THQG Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
"Số lượng các sản phẩm đạt THQG Việt Nam liên tục tăng nhanh qua các kỳ xét chọn, điều này thể hiện rõ niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp đối với các đường lối, chính sách của Chính phủ, cũng như khẳng định chất lượng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được cải thiện”, Phó Thủ tướng biểu dương và nhận định, 2020 là một năm đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức mà không một doanh nghiệp nào dự đoán hoặc có sẵn kịch bản ứng phó, nhưng các doanh nghiệp THQG Việt Nam đã không ngừng nỗ lực tiên phong, đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Các doanh nghiệp THQG không thụ động đợi sóng gió đi qua, không vì khó khăn mà dừng lại, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và duy trì xuất khẩu. Vượt qua khó khăn, thử thách, các doanh nghiệp THQG Việt Nam thể hiện mình không chỉ xuất sắc ở nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn hoàn thành rất tốt trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng.
“Những thành tựu mà các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh của hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ.
Để tiếp tục đạt được các kết quả đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp THQG Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng 4.0.
Các doanh nghiệp THQG Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi các tiêu chí của Chương trình là: “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong, phấn đấu quyết liệt hơn nữa để xứng đáng là những doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, là đại diện cho THQG, hỗ trợ hiệu quả sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương cần tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp; phối hợp có hiệu quả với các Bộ/ Ngành, các cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, cơ chế và nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp THQG nói riêng tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.
Phó Thủ tướng tin tưởng, trong thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia và đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam như mục tiêu đã đề ra, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Phân bón Phú Mỹ lần thứ 4 liên tiếp được công nhận là Thương hiệu Quốc gia
09:24, 14/10/2020
Nông sản Việt Nam: Cần Chính phủ hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia
11:00, 24/07/2020
Cần chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt
08:02, 23/07/2020
Phát triển thương hiệu quốc gia giúp nâng cao vị thế hàng Việt
15:06, 20/04/2020