Với những quyết sách linh hoạt và sáng tạo, với tinh thần cầu thị của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu khá lạc quan về tương lai của đất nước.
>>VCCI và Eurocham tăng cường hợp tác trong bối cảnh mới
Sáng 17/9, tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Eurocham: Thật khó tin là cách đây đúng một năm, nhiều thành phố của Việt Nam vẫn đang cách ly toàn diện, nền kinh tế Việt Nam bị đứt gãy và tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong mười năm qua.
Rất nhanh, ngay khi tỉ lệ bao phủ vaccine tăng lên, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời nhằm phục hồi và phát triển kinh tế và từ đó Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, thành tựu đáng kể.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Eurocham đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách và giải pháp phục hồi kinh tế.
Mặc dù vậy, bất ổn vẫn ngày càng gia tăng, như Thủ tướng đã nói, tình trạng lạm phát trên toàn cầu, tình hình phức tạp ở Ukraine và chính sách zero-COVID của Trung Quốc đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư châu Âu vẫn trong trạng thái chờ đợi và xem diễn biến tiếp theo như thế nào trước khi quyết định đầu tư mở rộng, trong đó có đầu tư vào Việt Nam.
Chúng tôi có thể đầu tư cơ sở hạ tầng như năng lượng, đường xá, hàng không, tuy nhiên có một số lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam mà chúng tôi vẫn còn ngại ngần. Do đó chúng tôi muốn tham khảo thêm ý kiến của chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng lo ngại về thủ tục hành chính mà chúng tôi tin rằng sẽ làm giảm mức độ cạnh tranh của Việt Nam.
Tuy nhiên, như các đại biểu đã chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các xung đột địa chính trị cũng như chính sách của các nước lân cận lại là cơ hội cho Việt Nam bứt phá. Việt Nam cần mở cửa mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, để gây ấn tượng với các nhà đầu tư chất lượng cao, bảo đảm vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Các nhà đầu tư châu Âu đã, đang và sẽ tiếp tục cam kết phối hợp với Việt Nam để đạt được mục đích này.
>>EuroCham thăng hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam
Trong bối cảnh này, đại diện Eurocham đề xuất các nhóm khuyến nghị sau để khôi phục và tăng tốc nền kinh tế Việt Nam:
Thứ nhất về hạ tầng xanh: Việt Nam cần chú trọng xây dựng hạ tầng xanh nhanh chóng và hiệu quả. Trong lĩnh vực năng lượng, Quy hoạch điện VIII cần được phê duyệt càng sớm càng tốt, trong đó tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo ở mức tối đa.
Cần có chính sách để người sử dụng tiếp cận năng lượng sạch thông qua Hợp đồng mua bán điện trực tiếp và giảm bớt các rào cản hành chính đối với nhà máy năng lượng sạch, trong đó đặc biệt cần cởi trói về thủ tục cho các nhà cung cấp dịch vụ điện mặt trời mái nhà và bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Để đạt được điều này, chúng tôi cũng mong muốn chung tay cùng Việt Nam để đạt được cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26. Chúng tôi cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu và các đại sứ quán châu Âu đang xây dựng một chương trình rất tham vọng là triển lãm và diễn đàn kinh tế xanh GEFE từ ngày 28 đến 30/11.
Thứ hai là khuyến nghị về y tế và bảo vệ sức khỏe người dân. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đầu tư đổi mới là vô cùng quan trọng, đặc biệt vào giai đoạn sau đại dịch. Sự ổn định và tiếp cận các loại thuốc nhanh đòi hỏi phải có các chính sách dài hạn.
Eurocham khuyến nghị có quy định gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc tương tự như việxc ban hành Nghị quyết 12 cho đến khi có các giải pháp được thông qua để giải quyết vấn đề một cách vĩnh viễn. Về lâu dài, chúng tôi đề xuất sửa đổi Luật Dược để loại bỏ các thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Nhằm giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp và Bộ Y tế, chúng tôi đề xuất thực hiện Quyết định 1661 của Thủ tướng Chính phủ. Bằng cách đó, tình trạng thiếu và gián đoạn nguồn cung thuốc xảy ra gần đây sẽ được ngăn chặn.
Thứ ba, liên quan đến chuyển đổi số, mặc dù Việt Nam đã làm tốt trong thời gian qua, nhưng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại, hiệu quả và minh bạch, Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường chuyển đổi số.
Eurocham kêu gọi Chính phủ thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, đảm bảo tính nhất quán trong khuôn khổ quy định của nền kinh tế số và điều chỉnh các quy định của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, ví dụ khung quy định của châu Âu.
Ngoài ra, chúng tôi khuyến nghị số hóa các quy trình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tăng cường phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Thứ tư về thu hút đầu tư, du lịch, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một ưu tiên hàng đầu cho thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với việc OECD đang triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng các chính sách từ châu Âu và các nước khác để hỗ trợ trực tiếp cho nhà đầu tư bù đắp cho phần thuế phải đóng. Chúng tôi rất mong muốn chia sẻ và tăng cường hợp tác thêm với Bộ Tài chính trong vấn đề này.
Với những quyết sách linh hoạt và sáng tạo, với tinh thần cầu thị của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu khá lạc quan về tương lai của đất nước. Chúng tôi tin chắc rằng với tinh thần này, Việt Nam cũng sẽ vượt qua khó khăn hiện tại với thành công tương tự, và đất nước chắc chắn sẽ tái thiết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Có thể bạn quan tâm
EuroCham đề xuất Hà Nội cắt giảm thủ tục nhập cảnh với nhà đầu tư
12:50, 19/10/2021
VCCI và Eurocham tăng cường hợp tác trong bối cảnh mới
05:03, 10/04/2021
EuroCham thăng hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam
04:00, 27/11/2020
Chủ tịch EuroCham: Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 châu Á vào 2050
11:10, 01/07/2020