Nhu cầu về phương tiện giao thông tại Việt Nam đang tăng nhanh, đây là một thị trường đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2024, thị trường ô tô trong nước đã khởi sắc trở lại, đạt doanh số hơn 500.000 xe/năm. Dự báo năm 2025 thị trường ô tô tiếp tục tăng trưởng hơn 10%, doanh số đạt gần 600.000 xe/năm. Doanh số sẽ tăng trưởng nhanh hàng năm, tới năm 2030 đạt quy mô khoảng 1,1 triệu xe/năm và giai đoạn 2031- 2045 đạt quy mô từ 5 - 5,7 triệu xe/năm. Đây là cơ hội lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đề cương “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Công Thương, đã đặt ra những mục tiêu lớn vào thời điểm 2035. Theo đó, tổng sản lượng ô tô sản xuất trong nước sẽ đạt khoảng 1.531.400 xe các loại. Trong đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt khoảng 852.600 xe, còn lại là các loại ô tô khác. Tỷ lệ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước dự kiến chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa và xuất khẩu khoảng 90.000 xe.
Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2035, giai đoạn 2026 - 2035, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phải đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện và phụ tùng cho sản xuất ô tô nội địa. Sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe...
Tuy nhiên, đang có rất nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ và tạo áp lực lớn đến ngành sản xuất ô tô trong nước. Trước hết là ô tô nhập khẩu tràn vào ngày càng nhiều, giá ngày càng rẻ. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Việt Nam sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% vào năm 2030, cho các nước thuộc Liên minh châu Âu, theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và các nước như Nhật Bản, Canada, Mexico… theo cam kết tại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thị trường ô tô tiềm năng nhưng nguy cơ sản xuất trong nước bị hàng nhập khẩu cạnh tranh không vươn lên được.
Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về qui mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Quy mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước qua đó cũng đã khác nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó ngành công nghiệp ô tô thế giới đang thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất. Vì vậy, ngành sản xuất ô tô còn chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ và xu thế tiêu dùng.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa đối với xe đến 9 chỗ ngồi, phân khúc sản phẩm quan trọng nhất, chỉ đạt mức trung bình 12 - 20%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra đạt từ 30- 40% vào năm 2020.
Công nghiệp hỗ trợ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cần được xem là trọng tâm, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa và tạo nền tảng bền vững cho ngành công nghiệp ô tô. Cần có chính sách khuyến khích hấp dẫn để thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn. Tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu, thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá... Với sự chuyển đổi sang xe xanh, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất linh kiện quan trọng như pin, động cơ, hệ thống quản lý năng lượng…
Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu chiến lược và chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ, chưa xây dựng được hệ sinh thái ngành công nghiệp ô tô, trong khi xu hướng chuyển đổi sang xe xanh diễn ra ngày càng rõ rệt.
Nếu công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, ngành ô tô Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa trên bản đồ thế giới. Ngược lại nếu không có các chính sách hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô nhập khẩu từ nước ngoài, mọi mục tiêu đặt ra chỉ tồn tại trên giấy, không bao giờ thành hiện thực.
[ Công nghiệp hỗ trợ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, cần có chính sách khuyến khích hấp dẫn để thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn. ]