Khu vực sản xuất - một trong những trụ đỡ của nền kinh tế đang phục hồi mạnh nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gặp một số điểm nghẽn.
>>>Gỡ nút thắt về vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp
Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết: bên cạnh những thuận lợi, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm vẫn có nhiều khó khăn tác động đến xuất khẩu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp ghi nhận kết quả tích cực cho thấy đà phục hồi rõ nét hơn và có xu hướng tăng trưởng, mở rộng khi chỉ số PMI duy trì ở mức trên 50 điểm trong 4-5 tháng liên tiếp vừa qua.
Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp.
Bà Phí Thị Hương Nga cho biết thêm: 3/4 nhóm ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng khá như nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành điện, ngành nước. Riêng nhóm ngành khai khoáng khai thác dựa trên tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất trên đà giảm.
Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm.
Ngành xây dựng tăng 7,34%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện và ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm.
Sản xuất công nghiệp năm nay thuận lợi hơn, theo bà Phí Thị Hương Nga, tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện luân phiên như năm ngoái đã được khắc phục. Không còn thiếu điện, sản xuất đảm bảo ổn định. Hơn nữa, tốc độ tiêu thụ tăng cao hơn sản xuất cũng giúp giảm tổn kho chính là tín hiệu tích cực cho sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng lưu ý, chỉ số sản xuất tăng khá trên nền giảm của năm ngoái, mức tăng tuy cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 2021-2022 và các năm trước khi có dịch COVID - 19. Bên cạnh đó, một số ngành tín hiệu phục hồi chưa rõ nét như sản xuất xi măng, bia, ô tô, xe máy cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nhất định.
Thông tin thêm về khó khăn của doanh nghiệp, dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê thực hiện, theo phản ánh của doanh nghiệp, điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất - kinh doanh là cầu trong nước yếu, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, vốn, lãi suất giảm nhưng vẫn cao.
Do đó, những kiến nghị của doanh nghiệp xoay quanh nội dung trên với mong muốn Chính phủ tiếp tục có biện pháp kích cầu, xúc tiến thương mại, giảm lãi suất cho vay, đơn giản thủ tục, điều kiện vay vốn…
Có thể bạn quan tâm
Sản xuất công nghiệp tăng nhẹ, cần thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp
10:59, 29/02/2024
Hải Dương: Bứt tốc sản xuất công nghiệp
01:36, 29/12/2023
Sản xuất công nghiệp phát triển bền vững
14:52, 12/12/2023
Hải Dương: Sản xuất công nghiệp vẫn nhiều khó khăn
01:13, 01/11/2023
Sản xuất công nghiệp khởi sắc
02:30, 31/07/2023
Hải Phòng: Tạo sức bật cho sản xuất công nghiệp
22:08, 12/09/2023
Bình Dương: Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển
01:16, 19/07/2023
Sản xuất công nghiệp khó khăn do cầu thị trường xuất khẩu yếu
17:09, 18/05/2023