Những tấm bê tông hư hỏng, gãy vỡ, sụt lún, nhiều chỗ không còn khả năng giữ đất chân thượng lưu đập chính.
Đó là tình trạng xuống cấp nhiều năm nay tại hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), đe dọa đến an toàn công trình.
Được xây dựng từ năm 1976, hồ Kẻ Gỗ là một trong những công trình thủy nông lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, là nơi cung cấp nước tưới cho hàng ngàn ha lúa tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Trải qua hàng chục năm, công trình này đã được gia cố từ năm 2007 – 2012. Tuy nhiên do phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt mưa, bão triền miên nên nhiều hạng mục của công trình này đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Có thể bạn quan tâm
10:20, 06/12/2018
06:17, 05/12/2018
07:43, 04/12/2018
Theo quan sát của chúng tôi, tại chân đập hồ Kẻ Gỗ các tấm lát bê tông nằm ở từ cao trình +25 trở xuống mép nước hồ đã bị xuống cấp, một số tấm bị đứt gãy nghiêm trọng với chiều dài khoảng 700m. Phần tiếp giáp giữa tấm bê tông mới được nâng cấp và những tấm bê tông cũ đã bị sóng đánh làm mất liên kết, một phần đất đá, sỏi dưới tấm bê tông mới từ cao trình +25 trở xuống đã bị sóng đánh khoét sâu tạo thành những hàm ếch. Nhiều tấm lát bằng bê tông cũ đã bị bong ra khỏi vị trí, nứt nẻ, vỡ, gây sụt lún ăn sâu vào thân đê chính, đe dọa đến kết cấu của các khối bê tông mới được xây dựng, gia cố cách đây khoảng 13 năm.
Một cán bộ quản lý công trình cho biết, năm 2007 đập được dự án WB3 nâng cấp, sửa chữa, gia cố mái thượng lưu đập chính bằng những tấm bê tông cốt thép rộng 5x5 m. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do mức nước hồ lớn, dự án chỉ có thể thi công phần từ đỉnh đập đến cao trình 24,5m - 25,5m còn phần chân đập từ cao trình 24,5m đến cao trình 17m vẫn là các tấm bê tông cũ. Theo thời gian, do thời tiết, mưa bão, sóng nước liên tục đánh vào phần tiếp giáp giữa các tấm bê tông mới và cũ, làm vỡ các liên kết.
Theo ông Đặng Hòa Bình, Trưởng Phòng Quản lý khai thác Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thì hằng năm công ty đều có những đợt kiểm tra và báo cáo tình hình sụt lún thân đập hồ Kẻ Gỗ lên tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành liên quan cho chủ trương, bố trí kinh phí khắc phục tạm thời xử lý phần tiếp giáp giữa bê tông cũ và bê tông mới, tránh phát sinh ngày càng rộng hàm ếch gây mất an toàn công trình.
"Về lâu dài, đề nghị Trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh, thành lập dự án để sữa chữa, nâng cấp mái thượng lưu của đập chính từ cao trình +24,5m xuống cao trình +17m, để đảm bảo an toàn tích nước phục vụ nhân dân sản xuất", ông Đặng Hòa Bình cho biết thêm.