Việc thực hành ESG đã trở thành động lực tăng trưởng tất yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong ngành môi trường như Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình (CNC).
Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng phát sinh và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và định hướng công nghệ xử lý”, do Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức tại TP Cần Thơ.
Xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết vùng ĐBSCL hiện phát sinh khoảng 4.200 tấn CTRSH mỗi ngày, trong đó chủ yếu được chôn lấp.
Tuy nhiên, việc chôn lấp không theo quy trình kỹ thuật đầy đủ khiến nguy cơ ô nhiễm đất và nước tăng cao. Ông Tài nhấn mạnh: “Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong xử lý rác thải sinh hoạt, chuyển từ việc chôn lấp sang các giải pháp công nghệ tiên tiến, giúp thu hồi tài nguyên và giảm phát thải ra môi trường”.
Theo ông Nguyễn Tiến Tài, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghiệp cấp quốc gia; tăng cường thực hiện việc thẩm định, có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về CTRSH; ban hành các tiêu chuẩn quốc gia liên quan CTRSH; hoạt động liên quan sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH vào thực tế.
Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Cần Thơ, chia sẻ thêm: “Hạ tầng kỹ thuật liên quan đến bảo vệ môi trường chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Các dự án về bảo vệ môi trường tại địa phương cũng chưa theo kịp sự phát triển, và điều này cần sự đầu tư lớn vào các giải pháp công nghệ từ các doanh nghiệp uy tín”.
Công nghệ tiên tiến từ CNC: Hướng đến phát triển bền vững
Ông Phạm Văn Diễn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, trực thuộc Công ty CNC, chia sẻ về những giải pháp công nghệ của doanh nghiệp: “Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH theo hướng kinh tế tuần hoàn, với hệ thống sản xuất hạt nhựa PP, viên nén nhiên liệu RPF, phân vi sinh và tái chế lò dầu FO. Công ty CNC coi rác thải như một tài nguyên quý giá, với cam kết phát triển các giải pháp xử lý rác thải bền vững”.
Là đối tác đáng tin cậy của các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, và nhiều doanh nghiệp FDI tại miền Bắc, Nhà máy xử lý rác của CNC tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, vận hành từ năm 2018, là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của các giải pháp công nghệ hiện đại. Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT CNC, cho biết: “Được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, chúng tôi đã tái chế nhựa, kim loại, và thu hồi năng lượng từ rác thải để giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm chi phí sản xuất cho các ngành công nghiệp. Mô hình này sẽ được mở rộng ra các khu vực khác, đặc biệt là ĐBSCL”.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, CNC đang trong quá trình mở rộng mạng lưới nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại các tỉnh miền Trung và miền Nam để giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt và góp phần vào phát triển kinh tế tuần hoàn tại khu vực này. “Mục tiêu của chúng tôi là mang lại giải pháp bền vững cho các địa phương, đồng thời tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và giảm chi phí đầu vào cho các ngành công nghiệp từ 15% trở lên” – ông Hùng nói.
Chung tay cùng cộng đồng: Hành động thiết thực vì xã hội
Không chỉ tập trung vào phát triển công nghệ xử lý rác thải, CNC còn đặc biệt chú trọng đến các hoạt động an sinh xã hội. Gần đây, Công ty đã trao tặng hơn 100 triệu đồng bao gồm hiện vật thiết thực và tiền mặt cho các hộ dân và trường học bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Cụ thể, CNC đã trao tặng 20 bộ bàn ghế và 50m2 cỏ nhân tạo cho Trường Mầm non xã Phan Thanh, hỗ trợ thêm 30 ghế gấp cho Trường Tiểu học và THCS Phan Thanh. Các hộ dân bị thiệt hại tại xã Phan Thanh cũng được nhận hỗ trợ 25kg gạo, 1kg thức ăn đóng hộp, một chăn siêu nhẹ và 1 triệu đồng tiền mặt mỗi hộ.
Tại xã Tân Lập, CNC đã hỗ trợ Trường Mầm non 20 bộ bàn ghế, 30 ghế gấp cho Trường Tiểu học và THCS Tân Lập, đồng thời trao tặng Ủy ban MTTQ xã một bộ máy vi tính để hỗ trợ công tác hành chính. Những hộ gia đình bị thiệt hại cũng nhận được gạo, thức ăn và tiền mặt để vượt qua khó khăn.
Bà Trương Thị Thuyết, Phó Chủ tịch HĐQT CNC, cho biết: “Thực hành ESG không chỉ là trách nhiệm mà còn là mục tiêu phát triển bền vững của CNC. Với nghĩa đồng bào, chúng tôi cam kết đồng hành cùng cộng đồng, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn như thiên tai, để chung tay tái thiết cuộc sống cho người dân”.